Bàng quang là một tạng rỗng chứa nước tiểu, nằm trong tiểu khung, ngoài ổ phúc mạc. Khi chứa đầy nước tiểu, bàng quang có dạng hình cầu. Ở người lớn, dung tích bình thường khoảng từ 250 - 350ml. Cấu trúc của thành bàng quang có nhiều collagen, tính đàn hồi cao nên trong những trường hợp đặc biệt, nó có thể tăng dung tích lên tới 300% so với bình thường. Nếu bàng quang chứa nhiều nước tiểu, bị chấn thương sẽ rất dễ bị vỡ.
Bình thường, khi lượng nước tiểu chứa trong bàng quang thay đổi sẽ thay đổi về cảm giác của cơ thể, đến lúc bàng quang có dung tích khoảng 350ml, người ta sẽ có cảm giác mót tiểu, trên 400ml thì cảm giác rất mót, đến 600ml thì đau tức không thể chịu được. Một số công trình nghiên cứu đã cho thấy: sự cảm nhận của cơ thể với mức độ căng của bàng quang cũng phản ánh mức độ tổn thương bàng quang thay đổi tùy theo mức độ căng bàng quang. Vì vậy, một bàng quang chứa đầy nước dễ tổn thương hơn là bàng quang chứa ít nước hoặc không có nước bên trong khi bị chấn thương.
Nếu chấn thương trực tiếp vào vùng bụng dưới rốn khi bàng quang đang đầy nước tiểu hay căng ứ nước tiểu, thành bàng quang mỏng đi, nhất là vùng đỉnh vì các bó cơ của lớp ngoài nằm cách xa nhau nên lớp phúc mạc dính rất chặt vào bàng quang, khi có một lực tác động đột ngột, trực tiếp vào vùng dưới rốn, bàng quang bị nổ vỡ tại điểm yếu nhất là phần đỉnh, phúc mạc cũng bị xé rách một đoạn chồng khít với tổn thương. Bàng quang vỡ thông vào trong ổ phúc mạc, gọi là vỡ bàng quang trong phúc mạc.
Tổn thương vỡ bàng quang trên phim chụp cắt lớp. Can thiệp ngoại khoa điều trị vỡ bàng quang. |
Trường hợp bàng quang ít nước tiểu, khi đó, cổ bàng quang được coi như một điểm cố định chắc chắn với các thành phần ở xung quanh tạo nên một sàn cố định vào khung xương chậu, khi chấn thương gãy xương chậu, làm đứt dây chằng, đồng thời giật rách bàng quang ở nơi bám dây chằng đó gọi là vỡ bàng quang ngoài phúc mạc.
Biểu hiện vỡ bàng quang
Vỡ bàng quang do chấn thương là một cấp cứu niệu khoa, hay gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chiếm 2% các thương tổn ở bụng, 10% các chấn thương về niệu. Bệnh nhân bị vỡ bàng quang thường xảy ra tình trạng sốc đa chấn thương, có nhiều thương tổn đi kèm. Các triệu chứng của tổn thương đường tiết niệu như thận, niệu quản, niệu đạo, bàng quang dễ nhầm lẫn với nhau. Do đó, cần chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời các tổn thương bàng quang và những thương tổn đi kèm mới có thể hạ thấp tỷ lệ tử vong và các biến chứng do chấn thương gây ra. Vỡ bàng quang có thể bị nhầm với các tổn thương khác của đường niệu, nhưng nếu nắm vững các triệu chứng, vẫn xác định được vỡ bàng quang do chấn thương. Tam chứng “vỡ bàng quang” gồm: đi tiểu máu cả bãi; đau vùng hạ vị; khó khăn hay không thể đi tiểu được. Vỡ xương chậu có di lệch nhiều có 10% kèm theo tổn thương bàng quang, 10-25% kèm tổn thương niệu đạo; 10-29% bệnh nhân tổn thương niệu đạo sau có tổn thương bàng quang kết hợp. Chụp Xquang, chụp cắt lớp, siêu âm có thể thấy tổn thương vỡ bàng quang.
Xử trí khi bị vỡ bàng quang
Đa số bệnh nhân bị vỡ bàng quang đều bị sốc, vì vậy, trong xử lý cấp cứu, cần phải chống sốc. Người cấp cứu phải đếm tần số nhịp thở, mạch, đo huyết áp của bệnh nhân.
Đồng thời với việc bảo đảm hô hấp, cầm máu, cố định chi gãy (nếu có), truyền dịch hay truyền máu để duy trì khối lượng tuần hoàn, bệnh nhân bị sốc nặng cần chuyển thẳng đến phòng mổ để khám và phẫu thuật kịp thời.
Trường hợp vỡ bàng quang trong phúc mạc thì bắt buộc phải phẫu thuật mở bụng để khâu bàng quang và kiểm tra các tổn thương khác trong ổ bụng, dẫn lưu bàng quang.
Nếu vỡ bàng quang ngoài phúc mạc mà bệnh nhân có tổn thương khác kèm theo cũng phải phẫu thuật mở bụng để giải quyết các tổn thương kết hợp khâu bàng quang. Còn trường hợp chỉ đơn thuần vỡ bàng quang ngoài phúc mạc có thể điều trị nội khoa bằng cách đặt thông niệu đạo lưu và dùng kháng sinh liều cao phổ rộng với thời gian từ 7-14 ngày; sau chấn thương sẽ chụp bàng quang có cản quang, nếu còn thấy hình ảnh thoát nước tiểu thì khi đó mới phẫu thuật khâu lỗ thủng bàng quang.
Phòng tránh vỡ bàng quang
Vỡ bàng quang là một bệnh nặng, xảy ra chủ yếu do chấn thương. Vì vậy, để phòng bệnh, chúng ta cần tránh chấn thương và tránh để bàng quang căng đầy. Trên thực tế, bàng quang căng đầy nước tiểu thường gặp ở những người uống nhiều rượu, bia mà không đi tiểu. Do vậy, cách phòng ngừa hiệu quả là nên đi tiểu khi bàng quang đầy, nghĩa là khi cơ thể cảm nhận thấy rất mót tiểu hay đau tức. Phái mạnh không nên cố nhịn tiểu, đặc biệt sau cuộc nhậu để tránh vỡ bàng quang khi bị chấn thương. Công nhân xây dựng, công nhân phải làm việc trên cao phải mang bảo hộ lao động, nhất là dây đeo an toàn để tránh tai nạn té ngã từ trên cao. Mọi người luôn có ý thức chấp hành luật giao thông để tránh tai nạn giao thông là nguyên nhân gây vỡ bàng quang rất hay gặp.
ThS. Trần Văn Phong