Chấn thương dây chằng chéo trước: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

19-02-2025 06:02 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chấn thương dây chằng chéo trước là một trong những tổn thương khớp gối phổ biến, đặc biệt ở những người tham gia các hoạt động thể thao. Chấn thương đứt dây chằng chéo trước gây cảm giác đau và khó đi lại.

1. Nguyên nhân chấn thương dây chằng chéo trước

Các cấu trúc có thể tổn thương trong chấn thương dây chằng chéo trước bao gồm:

  • Sụn chêm khớp gối
  • Bao khớp gối
  • Sụn khớp
  • Các đầu xương
  • Các dây chằng khác khớp gối

Một tổn thương nguy hiểm thường gặp được gọi là tam chứng vận động viên bao gồm: tổn thương dây chằng chéo trước, dây chằng bên trong và sụn chêm trong.

Tổn thương dây chằng chéo trước thường xảy ra gián tiếp khi người bệnh chạy, nhảy, sau đó đột ngột chậm lại và thay đổi tư thế hay đảo chiều vận động làm xoay hay đè ép gối trượt ra phía trước. Phụ nữ thường có nguy cơ cao hơn nam giới trong tổn thương dây chằng chéo trước, mặc dù nguyên nhân chính xác chưa được hiểu rõ.

Tổn thương trực tiếp dây chằng chéo trước xảy ra do nguyên nhân chấn thương trực tiếp, làm gối duỗi quá mức hoặc trượt ra trước quá nhiều. Khi đó dây chằng chéo trước giữ khớp gối không trượt ra trước bị chịu áp lực quá nhiều làm rách và đứt dây chằng.

Tổn thương dây chằng chéo trước thường xảy ra trong các hoạt động sau:

  • Các hoạt động thể thao: đá banh, leo núi, tennis, bóng chày, cầu lông.
  • Tai nạn giao thông.

2. Triệu chứng chấn thương dây chằng chéo trước

Dấu hiệu đầu tiên khi bị tổn thương dây chằng chéo thường là cảm nhận tiếng "rắc’’ ở gối ở thời điểm chấn thương và cảm giác đau, sưng nề khớp gối.

Trong vài giờ sau tổn thương dây chằng chéo trước, hầu hết mọi người đều đau gối, nguyên nhân xảy ra là do chảy máu từ mạch máu nơi tổn thương.

Chấn thương dây chằng chéo trước: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Dấu hiệu đầu tiên khi bị tổn thương dây chằng chéo thường là cảm nhận tiếng "rắc’’ ở gối tại thời điểm chấn thương.

Sau khi tình trạng đau và sưng gối được cải thiện, người bệnh có thể đi lại bình thường nhưng cảm giác không vững từ khớp gối. Các động tác như cúi người, bước lên cầu thang đều cảm nhận được sự lỏng lẻo của khớp gối, thể hiện bởi những triệu chứng như:

  • Cảm giác chân yếu hoặc chân có cảm giác không thật khi đi lại.
  • Không thể đi bộ nhanh được, nhất là trên mặt đường không bằng phẳng, thỉnh thoảng đang đi lại bị trật khớp gối.
  • Đi lên đi xuống cầu thang khó khăn, chân bị chấn thương không trụ vững nên cảm giác rất sợ khi phải đặt chân bị chấn thương xuống trước.
  • Nếu cố gắng chơi thể thao trở lại, người bệnh không thể hoặc rất khó để trụ bên chân chấn thương, không thể chạy nhanh hoặc chạy theo đường quanh co, đôi khi đang chạy người bệnh tự ngã mặc dù không có va chạm.
  • Nếu không chủ động điều trị, theo thời gian phần đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, nhất là mặt trước do teo cơ tứ đầu đùi. Đây là hậu quả của việc không vận động chân bị chấn thương do cảm giác đau và lỏng gối. Khi đi lại, người bệnh chủ yếu tì đè bên chân lành, dẫn đến cơ đùi của chân bị chấn thương ngày càng teo và chân càng yếu.

3. Chấn thương dây chằng chéo trước có lây không?

Chấn thương dây chằng chéo trước là một tai nạn thường gặp ở người chơi bóng đá, bóng rổ, quần vợt, bóng chuyền… khi đột ngột thay đổi hướng chạy hoặc gặp các tai nạn đầu gối khiến dây chằng chéo bị đứt. Vì vậy, chấn thương dây chằng chéo trước không phải là bệnh lây nhiễm, không thể lây nhiễm.

4. Phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo trước

Là tai nạn trong hoạt động thể thao và sinh hoạt vì vậy để phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo trước, chúng ta nên thực hiện một số biện pháp an toàn trong sinh hoạt, tập thể dục và chơi thể thao như:

  • Đảm bảo sự cân bằng tổng thể từ sức mạnh cơ chân. Cơ bụng và lưng khỏe mạnh giúp hỗ trợ khớp gối và cải thiện sự cân bằng của cơ thể.
  • Chọn giày có đế vững chắc, hỗ trợ tốt cho khớp gối và phù hợp với môn thể thao tham gia.
  • Làm ấm cơ thể khi thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy chậm, xoay khớp để làm ấm cơ bắp và khớp.
  • Tập trung kéo giãn các nhóm cơ xung quanh khớp gối như cơ tứ đầu, cơ đùi sau, cơ bắp chân.
  • Các kỹ thuật nhảy, xoay, chuyển hướng và tiếp đất an toàn, hạn chế chấn thương để tránh gây áp lực lên khớp gối.
  • Tập luyện có huấn luyện viên để được hướng dẫn chi tiết và sửa sai kịp thời.
  • Trong quá trình tập luyện, nếu cảm thấy đau nhức, hãy dừng lại và nghỉ ngơi.
  • Không ép bản thân tập luyện quá sức hoặc khi cơ thể đang mệt mỏi.
  • Ngoài ra, cần giảm cân nếu bạn thừa cân, việc giảm cân sẽ giúp giảm áp lực lên khớp gối. Bổ sung thực phẩm canxi và vitamin D giúp xương khớp chắc khỏe.

5. Điều trị chấn thương dây chằng chéo trước

Lựa chọn điều trị thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương dây chằng chéo trước và nhu cầu cụ thể của bệnh nhân.

Nguyên tắc chung của tái tạo dây chằng chéo trước: Phục hồi độ vững của khớp gối; Duy trì tầm vận động đầy đủ của khớp gối; Duy trì sức cơ; Các phương pháp có thể bao gồm:

Điều trị bảo tồn

Bệnh nhân được điều trị bảo tồn khi có đầy đủ các yếu tố sau: Bệnh nhân lớn tuổi (thường > 55 tuổi); Xương chày không hoặc di động ra trước ở mức tối thiểu; Không có thêm chấn thương nào trong khớp gối ( như rách sụn chêm, đứt dây chằng chéo sau…); Bệnh nhân không có nhu cầu hoạt động nhiều.

Điều trị bảo tồn gồm: nẹp cố định khớp gối, kê cao chi bị tổn thương, chườm lạnh, dùng thuốc giảm đau và kháng viêm…

Điều trị phẫu thuật 

Bệnh nhân được điều trị phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khi có một trong các chỉ định sau:

  • Xương chày di động ra trước rõ rệt (thể hiện qua test Lachman).
  • Có các tổn thương nội khớp phối hợp (như rách sụn chêm, đứt dây chằng chéo sau…).
  • Có nhu cầu hoạt động cao, nhu cầu quay lại hoạt động thể thao.

Vai trò của phục hồi chức năng trong tổn thương dây chằng chéo trước là vô cùng quan trọng, với các mục tiêu lớn là:

  • Lấy lại được sự ổn định về chức năng của khớp gối.
  • Phục hồi sức mạnh của cơ bắp.
  • Giảm nguy cơ tái chấn thương.

Phẫu thuật nội soi dây chằng đầu gối hay nội soi tái tạo lại dây chằng chéo khớp gối là phương pháp điều trị hiệu quả và phổ biến nhất cho tình trạng đứt dây chằng do bị tai nạn trong thể thao, lao động hoặc giao thông. Phương pháp phẫu thuật nội soi ít xâm lấn này vào thường quy, giúp rút ngắn thời gian điều trị và mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Cách ngăn ngừa tổn thương đầu gối khi đi bộCách ngăn ngừa tổn thương đầu gối khi đi bộ

SKĐS - Đi bộ là một hình thức hoạt động thể chất phổ biến mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng đi bộ nhiều có làm tổn thương đầu gối không?


BSCK2 Nguyễn Thị Thu
Ý kiến của bạn