Tập luyện Thể dục thể thao (TDTT) nhằm nâng cao sức khỏe, tăng cường khả năng lao động-học tập ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Bên cạnh những giá trị vật chất và tinh thần to lớn, tập luyện và thi đấu thể thao không phải bao giờ cũng đưa đến thành tích và một cơ thể khoẻ mạnh cho mọi người. Theo kết quả nghiên cứu của Hệ thống báo cáo bệnh tật và Chấn thương thể thao quốc gia Mỹ (NAIRS), người tập các môn thể thao đều có chấn thương hệ vận động với các mức độ khác nhau, một số môn thể thao người tập có tỷ lệ chấn thương cấp tính cao như bóng đá, võ vật, điền kinh, bóng bầu dục...
Trong đa số các trường hợp chấn thương, dấu hiệu ban đầu thường là các dấu hiệu chủ quan của chính VĐV, ví dụ như dấu hiệu đau mỏi hoặc đau tăng lên đột ngột khi tập luyện. Nhiều VĐV lo ngại khi báo cáo các dấu hiệu trên với ban huấn luyện nên thường tìm cách che giấu các triệu chứng chấn thương của mình để có thể tiếp tục tập luyện và thi đấu. Bên cạnh đó, huấn luyện viên thường không hiểu hoặc không có khả năng nhận biết các dấu hiệu ban đầu của chấn thương, do vậy, các chấn thương nhỏ ban đầu sẽ tiếp tục phát triển trở thành các chấn thương nặng hơn, thậm chí gây ra những tổn thương không thể hồi phục.
Cầu thủ bóng đá dễ gặp các chấn thương cơ xương khớp.
Về nguyên nhân gây ra chấn thương, thường do các yếu tố ảnh hưởng chính sau:
là một trong những yếu tố thuận lợi, thường là nhóm tuổi trẻ và tuổi già dễ bị chấn thương do chưa có trình độ tập luyện tốt hoặc do tình trạng thể trạng người cao tuổi đã bắt đầu bước vào giai đoạn có những biến đổi thoái hoá tự nhiên của cơ thể.
Các giai đoạn trong quá trình tập luyện và thi đấu của VĐV: Các trường hợp chấn thương có tỷ lệ cao ở thời kỳ đầu và thời kỳ cuối của chu kỳ huấn luyện. Đây là các thời điểm có các biến đổi về lượng vận động và khả năng thích nghi của VĐV.
Do sai sót trong khởi động trước khi tập luyện và thi đấu.
Do các bệnh có từ trước: Các nhiễm trùng dai dẳng về tai-mũi-họng hoặc răng-hàm-mặt và các chứng bệnh về khớp là các yếu tố thuận lợi dễ dàng gây ra các chấn thương khi tập luyện, thi đấu.
Do dinh dưỡng không đầy đủ hoặc sai lầm, do dùng thuốc kích thích, uống rượu, hút thuốc lá.
Yếu tố tâm lý: căng thẳng tâm lý do sức ép của chế độ tập luyện hoặc thành tích thi đấu là một yếu tố dễ gây chấn thương cho VĐV. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như thiếu sót trong tổ chức tập luyện và thi đấu như bố trí người tập bất hợp lý, tập luyện không có sự giám sát của HLV và bác sĩ thể thao, tổ chức bảo hiểm kém...
Các tác giả cũng đồng thời thấy rằng bộ phận hay bị chấn thương nhất là cổ chân, sau đó là khớp gối và khớp vai. Các dạng chấn thương hay gặp là giãn dây chằng, mô cơ, đặc biệt, giãn dây chằng vùng cổ chân có tỷ lệ cao nhất trong tất cả các môn thể thao đã nghiên cứu.
Tỷ lệ chấn thương đặc biệt tăng cao khi thi đấu thể thao. Ví dụ, môn bóng đá có tỷ lệ chấn thương khi thi đấu cao gấp 8,7 lần tỷ lệ chấn thương khi tập luyện. Nói chung, các môn thể thao đều có tỷ lệ chấn thương tăng khoảng 2 - 4 lần trong thi đấu so với tỷ lệ chấn thương khi tập luyện.
Về thời điểm xảy ra chấn thương, tác giả thấy rằng chủ yếu là trong thời gian thi đấu (59%), còn lại là trong thời gian tập luyện. 24% số VĐV bị chấn thương nhiều lần tại cùng một bộ phận. Nguyên nhân chấn thương là do va chạm với đối phương chiếm 46% các trường hợp, do các nguyên nhân khác chiếm 54%, các nguyên nhân do lỗi của VĐV gây ra chấn thương chiếm 31%.
Nhìn chung, các chấn thương thể thao có tính phổ biến trong mọi đối tượng tham gia tập luyện thể thao. Việc phát hiện các nguyên nhân cũng như tìm hiểu cơ cấu của các chấn thương trong các môn thể thao đã được nhiều tác giả nước ngoài nghiên cứu. Đây cũng là cơ sở để đưa ra các biện pháp dự phòng kịp thời đảm bảo chất lượng của việc rèn luyện sức, nâng cao thành tích của các đối tượng tham gia tập luyện và thi đấu thể thao.
ThS.BS. Nguyễn Văn Phú
(Trưởng khoa Y học TT - BV Thể thao Việt Nam - Ủy viên Y học thể thao LĐBĐ châu Á)