Chấn thương chỉnh hình giảm tải cho bệnh viện tuyến trên

13-08-2018 14:52 | Tin nóng y tế

SKĐS - BVĐK tỉnh Bình Phước được BV Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật chấn thương chỉnh hình, bao gồm kết hợp xương hiện đại, vi phẫu, nội soi khớp, thay khớp.

Nhờ được BV Chợ Rẫy đào tạo nhân lực cùng sự đầu tư của tỉnh, người bệnh của tỉnh Bình Phước đã được điều trị ngay gần nhà. Chúng tôi đã phỏng vấn BS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Phước về vấn đề này.

PV: Vì sao BVĐK tỉnh Bình Phước chọn chuyên ngành chấn thương chỉnh hình để BV Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật, thưa ông?

BS. Lê Anh Tuấn: Tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, sản xuất, sinh hoạt cũng như tuổi thọ của người dân tăng cao…là một trong nhiều nguyên nhân khiến các ca bệnh chấn thương tăng nhiều trong thời gian gần đây. Và như các bạn đã biết, điều trị và chăm sóc hậu phẫu chấn thương chỉnh hình tốn kém rất nhiều thời gian vì phục hồi lâu, người dân Bình Phước trước đây phải về TP. HCM điều trị, 1 người nằm viện là 2 -3 người nhà đi theo, luân phiên chăm sóc ở trên TP…vô cùng tốn kém. Chính vì lý do đó và để giảm quá tải ngành chấn thương chỉnh hình tại TP. HCM nên chúng tôi đã đề xuất và được Sở Y tế, UBND tỉnh chấp thuận cho là bệnh viện vệ tinh của BV Chợ Rẫy.

BS. Lê Anh Tuấn (ngồi đầu bên tay phải).

BS. Lê Anh Tuấn (ngồi đầu bên tay phải).

PV: BV đã chuẩn bị những gì để triển khai nhanh việc điều trị cho bệnh nhân?

BS. Lê Anh Tuấn: Theo mục tiêu đề án khi xây dựng bệnh viện vệ tinh (BVVT), BV chúng tôi được đào tạo được một ê kíp bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành chấn thương chỉnh hình có thể triển khai tại địa phương, giảm bớt bệnh nhân chuyển tuyến trên.

Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình hiện có 64 giường bệnh, điều trị chủ yếu các loại chấn thương ở chi, sọ não và một số bệnh lý về chỉnh hình. Khoa hiện có 6 bác sĩ trình độ chuyên khoa I chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và có nhu cầu được chuyển giao các kỹ thuật như điều trị phẫu thuật xương gãy, xử trí cấp cứu ca gãy xương hở, gãy hở có tổn thương mạch máu, kỹ thuật vi phẫu nối đứt lìa chi, đứt thần kinh, phẫu thuật khớp. Theo thống kê của khoa, năm 2015, số bệnh nhân chuyển tuyến trên (cấp cứu và nội trú) là 526, năm 2016 là 560 và 6 tháng đầu năm 2017 là 276. Vì vậy, khi chuyển giao thành công sẽ giúp giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, giảm tải cho BV tuyến trên và nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý tổn thương cơ quan vận động. Chúng tôi được BV Chợ Rẫy đào tạo, chuyển giao 4 gói kỹ thuật kết hợp xương hiện đại, vi phẫu thuật, nội soi khớp và thay khớp.

PV: Nguồn nhân lực được tuyến trên đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, nhưng trong ngành chấn thương chỉnh hình, trang thiết bị y tế đi kèm cũng không kém phần quan trọng thưa ông?

BS. Lê Anh Tuấn: BVĐK tỉnh Bình Phước được các chuyên gia từ BV Chợ Rẫy trực tiếp đến khảo sát cơ sở vật chất, tư vấn việc mua trang thiết bị cho phù hợp với điều kiện hiện có. Từ kiến nghị của các chuyên gia, UBND tỉnh đầu tư kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phê duyệt Đề án xã hội hóa máy MRI 1.5T và máy CTscanner 32 lát cắt cho BV.

BVVT không chỉ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh về chuyên khoa chấn thương chỉnh hình mà còn giúp BV tỉnh nâng cao vị thế, uy tín, củng cố niềm tin với nhân dân, góp phần tăng tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Thực hiện Đề án BVVT mang ý nghĩa phát triển chuyên môn nghiệp vụ gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy với sự hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi sẽ nỗ lực để xây dựng thành công BVVT.

PV: Xin cảm ơn ông!


Mai Phương (thực hiện)
Ý kiến của bạn