Vận chuyển nội tạng thối để tiêu thụ
BVĐK vùng Tây Nguyên, thường xuyên tiếp nhận cấp cứu các ca ngộ độc thực phẩm. Hầu hết nạn nhân đều sử dụng các thực phẩm đã ôi thiu, qua xử lý tẩm ướp và không rõ nguồn gốc. Trong quá trình cứu chữa, các nhân viên y tế vẫn khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm làm sao cho an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Đáng lo ngại, dù nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra nhưng các chuyến hàng quy mô lớn vẫn lén lút tìm cách tuồn vào thị trường. Vậy nên, gần đây lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên liên tục phát hiện các vụ vận chuyển thực phẩm không đảm bảo.
Điển hình như, chiếc xe giường nằm BKS 81B-014.79 do tài xế Trương Văn Sỹ (trú quán TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) khi điều khiển trên Quốc lộ 14 đoạn qua Đăk Lăk với nhiều dấu hiệu bất thường đã bị kiểm tra và phát hiện dưới thùng xe chở gần 2 tấn nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối được ngụy trang trong các thùng xốp. Tài xế Sỹ không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến hàng hóa mà chỉ khai nhận chở thuê cho một chủ ở TP. Hồ Chí Minh lên Gia Lai sẽ có người nhận và đưa đi tiêu thụ dần ở các chợ vào dịp cuối năm.
Trong những ngày cuối năm, Công an tỉnh Kon Tum cũng phối hợp với các lực lượng chức năng khác liên tục phát hiện, bắt giữ các đối tượng có hành vi vận chuyển, buôn bán các loại thực phẩm không đảm bảo nguồn gốc vào thị trường.
Tài xế Thiều Đình Trí (sinh năm 1986) đang lưu thông hướng Gia Lai - Kon Tum. Qua kiểm tra, phát hiện trong khoang hành lý có 9 thùng xốp chứa thịt động vật đông lạnh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ.
Tại Km 1415 thuộc Quốc lộ 14 (đoạn qua huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) lực lượng chức năng cũng đã ngăn chặn xe khách mang biển kiểm soát 18B-024.98 do tài xế Lê Văn Phùng điều khiển chở khối lượng lớn xương, thịt động vật đông lạnh không bảo quản theo đúng quy định, không có giấy tờ.
Lực lượng Công an Kon Tum ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo.
Ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng
Từng là nạn nhân ngộ độc thực phẩm, chị Lê Thị Duyên ở Chư Pưh (Gia Lai) cho biết: Tâm lý chung ở nhiều chợ vùng nông thôn, cứ thấy thực phẩm rẻ là mua thôi. Có khi mua về chưa kịp chế biến để mấy tiếng đồng hồ thì đổi sắc màu ngay. Linh cảm là thực phẩm đã được tẩm hóa chất bảo quản nhưng bỏ đi thì tiếc nên vẫn nấu lên ăn. Ăn xong thì đau bụng, buồn nôn. Sau khi nhờ cơ quan chức năng kiểm nghiệm mới biết thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn, để lâu ngày, không đảm bảo an toàn.
Theo Công an nhiều tỉnh Tây Nguyên, tuyến Quốc lộ 14 là con đường quan trọng, hầu hết các xe chuyên chở hàng lậu hay thực phẩm không đảm bảo lưu thông qua con đường này. Vậy nên dịp cuối năm, ngoài công tác tuần tra đảm bảo an ninh trật tự còn tăng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn, thực phẩm nguy hại. Khi phát hiện sẽ tiến hành ngăn chặn, phối hợp xử lý. Với thời gian cao điểm sẽ tuần tra liên tục cả ngày lẫn đêm.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Gia Lai, Đăk Lăk cũng cho biết: Dịp cuối năm là thời điểm các đối tượng vận chuyển hàng hóa không an toàn cho sức khỏe. Ngoài thịt, các loại nội tạng còn có các nhu yếu phẩm khác như: bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, sữa... Công tác quản lý phải được đẩy mạnh hơn. Kiểm tra thường xuyên và đột xuất khi có bất cứ dấu hiệu nào khả nghi.
Tại các khu vực cửa khẩu ở Tây Nguyên như: Cửa khẩu Lệ Thanh; Cửa khẩu Bờ Y cần kiểm soát chặt chẽ các loại hàng hóa, nhất là trong dịp cuối năm, dịp Tết để đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng.