Chặn thực phẩm bẩn: Khó và dễ

30-12-2015 07:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Mỡ bẩn, hành phi bẩn, ruốc bẩn, nầm lợn thối... trong tuần vừa qua, không ngày là không có những thông tin về các vụ bắt giữ sản xuất,

Mỡ bẩn, hành phi bẩn, ruốc bẩn, nầm lợn thối... trong tuần vừa qua, không ngày là không có những thông tin về các vụ bắt giữ sản xuất, buôn lậu thực phẩm bẩn với quy mô lớn từ Bắc vào Nam mà nếu tận mắt chứng kiến, nhiều người sẽ phải rùng mình kinh hãi khi liên tưởng những món ăn mà mình đã từng ăn tại một số nhà hàng, quán ăn sử dụng.

Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, chưa có năm nào mà số vụ kinh doanh, buôn bán thực phẩm “bẩn” lại liên tục bị phát hiện và bắt giữ nhiều như những ngày cuối năm 2015: như tại Yên Bái tiêu hủy 650 nội tạng bốc mùi hôi thối; Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ gần 5 tấn bánh, mứt, kẹo hết hạn sử dụng; tại Quảng Nam bắt xe chở nửa tấn chân gà, xúc xích không rõ nguồn gốc; tại Hà Tĩnh  bắt xe chở 700kg chân trâu bò bốc mùi hôi thối; còn tại Cần Thơ vừa tiêu hủy gần 900kg thịt chà bông không rõ nguồn gốc, chất lượng; và ngay tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, ngạc nhiên hơn khi có cả những doanh nghiệp có tên tuổi vẫn bị cơ quan chức năng phát hiện với hàng tấn thực phẩm gồm tim lợn, chân gà, mề gà đã quá hạn sử dụng, mốc xanh, mốc đỏ... Và xu hướng này chắc chắn sẽ còn gia tăng từ đây tới Tết Nguyên đán, bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.

Chỉ tính riêng trong 2 tháng triển khai Kế hoạch số 235/KH-BCA-C41 ngày 02/10/2015 của Bộ Công an về tổ chức đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện 428 vụ vi phạm, khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng, xử lý hành chính 341 vụ, số tiền xử phạt 2,5 tỷ đồng. Còn tính trong cả năm 2015, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 3.365 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt 2.400 vụ với số tiền 16,86 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng buôn lậu thực phẩm bẩn đã diễn ra nhiều năm, lực lượng chức năng cũng quyết liệt vào cuộc, đặc biệt dịp cận Tết mà tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm? Phải chăng là do lợi nhuận quá lớn? Chế tài xử lý quá nhẹ? Hay do chính thói quen tiêu dùng của người dân đang góp phần tiếp tay cho hoạt động này? Một câu trả lời có thể dễ dàng nhận thấy là từ những mối lợi khổng lồ và cả chính thói quen ăn uống không lành mạnh của người tiêu dùng, đang góp phần khiến tình trạng buôn lậu thực phẩm bẩn gia tăng.

Thế nhưng có một thực tế là khi những kẻ buôn lậu tìm mọi cách đưa thực phẩm bẩn ra thị trường, cũng là khi họ đang trực tiếp và gián tiếp đầu độc chính người thân, gia đình và cả con cái họ. Vòng tròn ấy sẽ không dừng lại trừ phi chính những kẻ buôn lậu tự nhận thức được nguy cơ này, và người tiêu dùng biết từ bỏ thói quen ăn hàng, ăn quán không lành mạnh. Bởi sẽ có một ngày, lợi nhuận từ buôn lậu thực phẩm bẩn sẽ không đủ để bù đắp chi phí sức khỏe mà những kẻ đầu cơ thực phẩm bẩn phải trả giá cho chính mình và người thân.


Trường Giang
Ý kiến của bạn