Có một chiều xuân xưa, tôi thanh thản về nhà sau một ngày tân niên. Đến cửa, bỗng nghe con gái nhỏ hát vang trong phòng: “Vừng trời Đông ánh hồng tươi sáng bừng lên – Đàn bồ câu trắng bay về trong nắng mới…”. Giọng hát non nớt, song tha thiết của cháu khiến tôi nhớ lại ngày nào cũng bằng tuổi cháu, tôi cũng đã từng hát vang một cách non nớt, song tha thiết bài ngợi ca này.

Bài ngợi ca vốn có tên là Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam được nhạc sĩ Đỗ Minh viết ra nhân ngày 3/3/1951 – ngày Đảng ta trở lại công khai sau mấy năm rút vào bí mật và đổi tên từ Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Như vậy, kể từ ngày thành lập (3/2/1930) cho đến khi lãnh đạo cách mạng thành công (19/8/1945), chưa có bài hát nào về Đảng. Phải sau kháng chiến chống Pháp 6 năm ròng, bài Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam của nhạc sĩ Đỗ Minh có lẽ là bài hát đầu tiên ca ngợi Đảng của dân tộc mình.
Bài hát với lời ca gần như rút ra từ Cương lĩnh chính trị của Đảng đối với dân tộc, song nhờ giai điệu đẹp và cảm xúc chân thành của tác giả nên nó đã nhanh chóng được phổ biến khắp chiến khu, rồi sau kháng chiến chống Pháp là cả miền Bắc và sau 30/4/1975 thì lan ra rộng khắp đất nước. Cho đến nay, mặc dù có thêm rất nhiều bài ngợi ca Đảng, song bài ngợi ca của nhạc sĩ Đỗ Minh vẫn được coi như bài Đảng ca sáng giá nhất. Sức sống của bài hát dường như vẫn còn thanh xuân trong những dịp kỷ niệm thành lập Đảng.
Bài Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam từ khi ra đời đã liên tục được hát trong những dịp kỷ niệm thành lập Đảng. Song tôi cũng không rõ từ khi nào thì có 3 từ trong bài được thay đổi một cách khéo léo thành 2 từ khác. Đó là sự thay đổi từ “Khối kết đoàn công nông và trí thức” thành “Khối kết đoàn công nông bền vững”. Chắc chắn sự thay đổi này không phải do tác giả mà là ai đó đã nhạy cảm trong tình hình thực tế của đất nước.
Cho đến sau Đại hội Đảng lần thứ IV (1976), bài Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam được đổi đầu đề thành Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam. Giai điệu và lời ca vẫn giữ như trên với hai từ “bền vững”. Chỉ có chỗ nào có từ “lao động” thì hát thành “Cộng sản” cho phù hợp với tên mới. Nếu chỉ là từ không thì dễ nhưng đây là nốt nhạc. Vì vậy, khi hát “Lao động” thành “Cộng sản” rõ ràng là sự phát âm không được chuẩn xác vì dấu của hai từ khác nhau. Nhưng một lần nữa, sức cuốn hút của giai điệu đã khiến cho người hát và người nghe không cảm thấy gợn gì cả. Tất nhiên sự thay đổi này cũng không phải là tác giả mà là lịch sử.
Điều mừng hơn là từ năm 1995, trong đợt kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Đảng, trên truyền hình Việt Nam ngày nào cũng mở đầu chương trình bằng bài ngợi ca này và cụm từ: “Khối kết đoàn công nông và trí thức” đã được trả lại như khi bài hát mới được viết ra. Còn cái gì buộc phải thay đổi theo lịch sử cũng đã được thay đổi và được chấp nhận. Duy chỉ có lòng chân thành của tác giả là từ bấy đến nay vẫn không hề thay đổi. Vì vậy, giai điệu mới thuyết phục được cả trẻ thơ ngày hôm nay đang sống trong một thế giới đầy ắp những âm thanh đa dạng.
Cũng rất đặc biệt là sau bài ngợi ca này, nhạc sĩ Đỗ Minh chỉ thêm một lần sáng tác bằng chất liệu dân ca Tày bài Tình Bắc Nam trong những ngày đầu chia cắt đất nước. Sau đó, ông đi vào nghiên cứu dân ca vùng Việt Bắc và định cư ngay tại mảnh đất mà ông hết lòng yêu quý. Song sự tồn tại độc đáo của ông với một bài ngợi ca Đảng vẫn đặt ông ở một vị trí xứng đáng giữa đại gia đình nhạc sĩ Việt Nam – một vị trí được xây nên từ lòng chân thành. Đỗ Minh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt I (2001).
NGUYỄN THỤY KHA