Hà Nội

Chân tật nguyền vẫn đi ngàn dặm xa trên con đường toán học

16-11-2017 09:03 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có người lúc nào cũng phải vượt qua bệnh tật, sống và làm việc với một nghị lực lớn lao để đạt được điều mình mơ ước.

Nhà toán học Ngô Việt Trung là một người như thế! Mới 3 tuổi, cậu bé Trung mắc chứng bệnh bại liệt. Mẹ cậu là y tá quân đội, nên cấp cứu kịp thời, nhưng nửa người bên trái của cậu bị liệt hoàn toàn. Về sau, nhờ những ca phẫu thuật và sự tập luyện của bản thân mà hồi phục dần, nhưng chân trái của cậu vẫn mang tật...

Sinh viên Ngô Việt Trung thời kỳ học ở CHDC Đức, đi phải chống nạng (năm 1969).

Sinh viên Ngô Việt Trung thời kỳ học ở CHDC Đức, đi phải chống nạng (năm 1969).


“Nếu không có bác Bửu, chưa chắc tôi đã theo được nghiệp toán học”

Trời cho Ngô Việt Trung năng khiếu toán hơn người. Chính toán học đã thôi thúc anh đến trường dù nhiều khi phải chống nạng. Năm 1969, giai đoạn cuối cấp 3 anh học Trường Việt - Đức, Hà Nội, đã giành giải Nhất Cuộc thi Học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Cũng năm ấy đề thi chọn học sinh đi học đại học ở nước ngoài do chính Giáo sư Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra đề. Có 10 bài toán từ dễ đến khó, hầu như không thí sinh nào giải được trọn vẹn, trừ Ngô Việt Trung. Điều này càng làm Bộ trưởng Tạ Quang Bửu chú ý đến anh hơn. Song, ngày ấy trong danh sách những học sinh được chọn đi nước ngoài lại không thấy có tên anh, Bộ trưởng Bửu ngạc nhiên hỏi Ban Tuyển sinh thì được trả lời: Ngô Việt Trung không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe. Bộ trưởng không hài lòng về cách làm của Ban Tuyển sinh, họ quá máy móc, đúng là Ngô Việt Trung bị tật, song nhìn chung vẫn là một thanh niên sức khỏe còn bảo đảm, với đầu óc tư duy rất tốt. Không hiếm những tài năng toán học trên thế giới cơ thể bị một khiếm khuyết gì đấy. May sao dịp đó, có đoàn của Bộ Đại học CHDC Đức đến Hà Nội làm việc do một vị thứ trưởng dẫn đầu, thế là Bộ trưởng Bửu nói chuyện thẳng với ông trưởng đoàn về trường hợp Ngô Việt Trung. Ông thứ trưởng đồng ý nhận anh sang CHDC Đức. Trong thời gian học ở Đông Đức, theo đề nghị của Bộ trưởng Bửu, anh còn được các bác sĩ nước bạn mổ chỉnh hình chữa được một phần di chứng bại liệt, việc đi lại không còn phải chống nạng nữa. Sau này khi đã đạt được những thành tựu trong toán học, Ngô Việt Trung từng nói với các nhà báo khi được phỏng vấn: “Nếu không có bác Bửu, chưa chắc tôi đã theo được nghiệp toán học”.Bộ ba Đại số giao hoán, từ trái sang:  GS. Lê Tuấn Hoa, GS. Ngô Việt Trung, GS. Nguyễn Tự Cường trong lễ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

Bộ ba Đại số giao hoán, từ trái sang:  GS. Lê Tuấn Hoa, GS. Ngô Việt Trung, GS. Nguyễn Tự Cường trong lễ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

Bộ ba Đại số giao hoán

Người viết bài này có cuộc trò chuyện với GS.TSKH. Ngô Việt Trung khi ông vừa cùng hai đồng nghiệp ở Viện Toán học Việt Nam là GS.TSKH. Nguyễn Tự Cường và GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao nhất về khoa học, công nghệ và văn học nghệ thuật của nước ta, trong một lĩnh vực chuyên sâu của toán học là Đại số giao hoán:

- Trước hết xin chúc mừng anh và hai đồng nghiệp được nhận giải lần này! Thưa anh, kể từ lần đầu là năm 1996 đến nay, đã trải qua 5 lần trao giải lĩnh vực toán học mới lại có “khôi nguyên”, như thế thời gian có phải là hơi dài?

- Khoa học cơ bản ở Việt Nam có rất nhiều thành tựu xuất sắc mang tầm quốc tế. Tuy nhiên có một nghịch lý là các nhà khoa học cơ bản khó được Giải thưởng Hồ Chí Minh vì người ta thường đòi hỏi các công trình khoa học phải có ứng dụng cụ thể trong đời sống mà không nhìn thấy vai trò của nghiên cứu cơ bản là làm giàu kho tàng tri thức nhân loại. Những phát hiện quan trọng nhất làm thay đổi thế giới chỉ có thể xuất hiện trong một nền khoa học cơ bản phát triển và là sự tổng hợp trí thức của nhiều ngành khoa học khác nhau. Rất ít người biết rằng toán học đứng đằng sau hầu hết các ứng dụng của máy vi tính, điện thoại thông minh, thẻ từ... Không phải ngẫu nhiên mà một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chỉ số sáng tạo của một đất nước là số lượng công trình công bố quốc tế của các nhà khoa học nước đó. Rất may là trong những năm gần đây xã hội đã có một cái nhìn tích cực hơn về nghiên cứu khoa học cơ bản. Thông qua các cơ sở dữ liệu người ta có thể phần nào định lượng được mức độ xuất sắc của các công bố khoa học trong khoa học cơ bản so với thế giới. Có lẽ đó là nguyên nhân mà năm nay có một Giải thưởng Hồ Chí Minh được trao cho ngành toán, một ngành khoa học cơ bản ở Việt Nam có truyền thống làm việc theo các chuẩn mực quốc tế. Hy vọng rằng khoa học cơ bản sẽ có Giải thưởng Hồ Chí Minh trong những đợt tiếp theo.

- Anh có thể nói vắn tắt về công trình đoạt giải của nhóm đại số giao hoán.

- Đại số giao hoán chỉ là một trong khoảng một trăm chuyên ngành của toán học. Công trình của chúng tôi được chọn lọc từ gần 200 bài báo công bố từ năm 1980 đến 2008. Công trình được đánh giá “đặc biệt xuất sắc” bởi đã mở ra một số hướng nghiên cứu mới, phát hiện một số kết quả đột phá góp phần thúc đẩy sự phát triển của đại số giao hoán. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, các công bố của chúng tôi đã được hơn 600 tác giả trên toàn thế giới trích dẫn gần 2.000 lần.

- Maryam Mirzakhani nhà nữ toán học người Iran, giáo sư của Đại học Stanford, người phụ nữ đầu tiên được nhận Giải Fields ở Đại hội Toán học Thế giới tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc năm 2014, vừa từ trần ở tuổi 40, để lại nhiều xót thương cho giới toán học quốc tế. Anh đã đi dự đại hội toán học lần đó, có được gặp và nói chuyện với chị ấy?

- Kỳ đại hội ấy đạt con số kỷ lục là có tới 4.000 nhà toán học trên khắp thế giới tham dự. Tôi mà xông đến bắt tay cô Mirzakhani thì người ta sẽ cho rằng thấy người sang bắt quàng làm họ. Vì thế chỉ có thể chiêm ngưỡng cô ấy từ xa thôi. Nhưng có một sự trùng hợp tình cờ thú vị là sau đại hội ít lâu, tôi được mời sang quê hương của cô ấy để giảng bài. Đã từ lâu, tôi có mối quan hệ bạn bè với những ông tổ ngành Đại số giao hoán của Iran. Tôi rất khâm phục nỗ lực của họ phát triển toán học gần như từ con số không để ngày nay Iran trở thành một “tiểu cường quốc” về toán học.

- Tôi được biết rằng, Hàn Quốc có xuất phát ban đầu rất giống Việt Nam, nhưng ngày nay đã trở thành một cường quốc toán học, được đăng cai tổ chức Đại hội Toán học Thế giới. Vậy trong một tương lai gần nước ta có thể vươn lên trong top đầu, để có vinh dự đăng cai Đại hội Toán học Thế giới được không?

- Đây là vấn đề có liên quan mật thiết đến việc nâng cao cả về chất lượng và số lượng đội ngũ toán học nước ta trong hiện tại và tương lai. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách và biện pháp cụ thể nhằm phát triển toán học một cách mạnh mẽ và bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần có những “cú hích” như trường hợp của GS. Ngô Bảo Châu được nhận Giải thưởng Fields năm 2010, dẫn tới sự ra đời của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà toán học trong nước có điều kiện giao lưu học hỏi với các nền toán học tiên tiến của thế giới. Ta cần lấy các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc là hình mẫu để học tập cái cách họ đã trở thành cường quốc toán học, phát triển toán học chỉ trong vòng 15-20 năm.

- Điều gì đã làm anh trong nhiều năm qua có đủ sức khỏe để thực hiện những công trình toán học có giá trị?

- Năm nay tôi đã 64 tuổi. Từ thời còn trẻ đến giờ, tôi luôn tâm niệm trong lòng phải thực hiện cùng một lúc hai điều có vẻ trái ngược nhau: quên đi những khiếm khuyết về cơ thể để không bao giờ buồn phiền, lo lắng và phải luôn ghi nhớ rằng sức khỏe mình vốn không được hoàn hảo, càng cần phải thường xuyên rèn luyện, giữ gìn. Chính toán học đã giúp tôi làm tốt cả hai điều đó.


Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn
Tags: