Cuối tháng 12/2023, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) khám xét kho hàng hóa thực phẩm "thịt heo bò xuất nhập khẩu tại Huế" (địa chỉ tại thôn Xuân Lai, xã Lộc An, huyện Phú Lộc) do bà Hồ Thị Nhiên (SN 1993, trú tại thôn Xuân Lai) làm chủ.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại kho hàng lưu trữ hơn 1 tấn thực phẩm gồm trứng gà non, giò heo, ba chỉ rút xương, xương cùi bò, bắp bò, bắp trâu, lõi bò…có dấu hiệu vi phạm.
Thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan về kinh doanh loại hàng hóa.
Tại cơ quan công an, bà Nhiên khai nhận số hàng hóa trên được nhập về có nguồn gốc từ Nga, Ấn Độ nhưng không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Số thực phẩm này, chị Nhiên bán lẻ cho các khách hàng là quán ăn, nhà hàng, dịch vụ đám cưới.
Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) tiến hành kiểm tra kho hàng hàng thực phẩm đông lạnh do ông Lương Hùng Minh (SN 1971, tại thôn La Khê, phường Hương Vinh, TP. Huế) làm chủ và phát hiện hơn 3 tấn thịt lợn và nội tạng lợn có dấu hiệu vi phạm.
Chủ kho hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không thực hiện việc đóng dấu kiểm soát giết hoặc có dán tem vệ sinh thú y. Một số hàng hóa là thịt đã có dấu hiệu đổi màu và bốc mùi hôi thối.
Đáng nói, theo Trạm Chẩn đoán và Điều trị bệnh động vật (Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Thừa Thiên Huế), kết quả xét nghiệm các mẫu thu thập từ kho đông lạnh của ông Minh đều không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, vượt ngưỡng giới hạn an toàn, thậm chí có mẫu nhiễm khuẩn Ecoli đến 60 lần.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm thực phẩm, đơn vị tiến hành cuộc họp với lực lượng chức năng và địa phương để lên phương án xử lý số thực phẩm. Đơn vị cũng xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời điểm Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao nhất trong năm, nguy cơ gia tăng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, là các loại hình hoạt động quảng cáo, bán hàng qua các nền tảng điện tử như mạng xã hội, thương mại điện tử có chiều hướng tăng.
Theo ông Sơn, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm diễn đàn buôn bán, sử dụng nhà ở để làm nơi kinh doanh online, nơi cất giấu và giao nhận hàng hóa, khó kiểm soát. Trên khâu vận chuyển, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả vẫn được các đối tượng vận chuyển qua địa bàn tỉnh với nhiều thủ đoạn khác nhau.
Ông Phan Hùng Sơn thông tin, đơn vị sẽ tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn, các tuyến đường trọng điểm, các cơ sở sản xuất, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
"Với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý để đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân", ông Sơn nói.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 21/1: Cảnh báo đêm nay trời rét đậm, rét hại kèm theo mưa.