Mặc dù ít gặp, nhưng bệnh lý do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra lại kinh khủng tới mức người ta gọi loại vi khuẩn này bằng cái tên rợn tóc gáy: vi khuẩn “ăn thịt người”.
Chân dung kẻ “ăn thịt người”
Aeromonas hydrophila (A. hydrophila) là một loại trực khuẩn gram âm, có hình que, sống ở môi trường nước ấm và cả vùng nước lợ ven biển tại các khu vực nhiệt độ nóng ẩm, có kích thước khoảng từ 0,5 - 1 micrometer chiều rộng và 1 - 3 micrometer chiều dài. Loại vi khuẩn này có thể sống được cả trong môi trường ái khí và kị khí, với nhiệt độ thích hợp nhất là 280C, phát triển tốt trong môi trường có gelatin, elastin và hemoglobin (mô mềm và máu của cơ thể sống) và đề kháng với rất nhiều loại kháng sinh và nhiệt độ thấp (như trong tủ lạnh). A. hydrophila lần đầu tiên được phân lập từ động vật và cả những người bị nhiễm bệnh từ những năm 1950 tuy đối tượng gây bệnh chủ yếu của loài vi khuẩn này là tôm cá và những động vật lưỡng cư.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Trung ương, trong hai năm gần đây đã có hàng chục ca bệnh do A. hydrophila gây ra với bệnh lý viêm mô - tế bào, viêm cơ, hoại thư sinh hơi và một số bệnh nhân đã tử vong.
Con đường gây bệnh
Sau khi thâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương trên da, vi khuẩn này vào máu, tới các mô mềm hoặc các cơ quan trong cơ thể, nhân lên và gây bệnh thông qua nội độc tố là aerolysin. Độc tố này gắn vào một số cảm thụ tại vách tế bào vật chủ làm tế bào bị tổn thương và hoại tử mô.
Cơ quan nào vi khuẩn “ăn thịt người” hay tấn công?
Viêm dạ dày ruột
A. hydrophila có thể gây nhiều loại bệnh lý trên người. Rất hay gặp là các bệnh về đường tiêu hóa - viêm dạ dày ruột do A. hydrophila. Viêm nhiễm đường tiêu hóa do loại vi khuẩn này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu xảy ra ở trẻ em và những người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải, người già yếu hoặc mắc các bệnh mạn tính. Có hai thể bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa do A. hydrophila. Hàng đầu là bệnh cảnh tiêu chảy cấp giống bệnh tả với các triệu chứng sốt cao, nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng hoặc toàn nước và bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng sốc (vật vã kích thích, da tái lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt...) do mất nước cấp tính. Loại tổn thương đường tiêu hóa thứ hai do A. hydrophila gây ra đó là biểu hiện rối loạn tiêu hóa có triệu chứng giống bệnh lỵ trực khuẩn như sốt cao, đau quặn bụng, mót rặn, tiêu chảy phân nhày máu mũi.
Viêm mô tế bào
A. hydrophila sau khi thâm nhập qua các vết thương trên da, có thể phát triển nhanh, sinh nội độc tố kích ứng viêm tại chỗ, phá hủy tế bào, gây một loại bệnh được gọi là viêm mô - tế bào. Đặc điểm của loại bệnh này là bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn rõ (sốt cao, môi khô lưỡi bẩn, mạch nhanh, bạch cầu, CRP, procalcitonin máu tăng cao); tổn thương tại chỗ có màu đỏ, sau chuyển tím đen, sưng nề, chảy nước vàng. Khi viêm nhiễm lan sâu xuống lớp cơ - hay viêm cơ do A. hydrophila, ngoài các biểu hiện kể trên, cắt lọc vết thương thấy mô cơ có màu tái xám, không có máu tươi chỉ có dịch lờ máu cá chảy ra, mùi tanh lợm. Khi tổn thương lan rộng, tiến triển nhanh lên phía trên, sờ vết thương thấy có tiếng lép bép của khí trong mô tổn thương, đây chính là bệnh hoại thư sinh hơi do A. hydrophila. Bên cạnh tổn thương tại chỗ, bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn nhiễm độc rõ, rối loạn nước điện giải, thăng bằng kiềm toan, nặng hơn bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng và tử vong nhanh chóng kể cả khi đã được điều trị tích cực.
Điều trị và dự phòng
Việc điều trị bệnh do A. hydrophila gây ra bao gồm sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn và điều trị triệu chứng. Mặc dù kháng nhiều loại kháng sinh, hiện nay vẫn còn một số kháng sinh có tác dụng với A. hydrophila như chloramphenicol, florenicol, tetracycline, sulfonamide...
Điều trị triệu chứng cũng rất quan trọng như bồi phụ đủ nước, điện giải trong các bệnh lý viêm nhiễm đường tiêu hóa do A. hydrophila, chống viêm, chống sốc trong viêm mô - tế bào, viêm cơ. Nếu có hoại thư sinh hơi có thể phải chỉ định cắt cụt chi nếu hiện tượng hoại tử nhanh và khó kiểm soát.
Dự phòng nhiễm A. hydrophila bằng các biện pháp như giữ sạch sẽ các vết thương tránh tiếp xúc với nước bẩn; ăn chín uống sôi, nhất là với các loại thực phẩm như hải sản, cua ốc nước ngọt, các loại rau trồng dưới nước (rau cần, rau ngổ, rau muống...).
TS.BS. Vũ Đức Định