Chân dung tự họa - Tuyên ngôn của họa sĩ

23-09-2012 18:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Mới đây, Giải Dogma về chân dung tự họa lần thứ hai được tổ chức thành công tại Việt Nam đã mang đến những liên tưởng thú vị cho công chúng.

(SKDS) - Mới đây, Giải Dogma về chân dung tự họa lần thứ hai được tổ chức thành công tại Việt Nam đã mang đến những liên tưởng thú vị cho công chúng. Đây cũng được xem là món quà dành cho họa sĩ Việt - những người có rất ít sân chơi để thể hiện bản thân, phản ánh xã hội bằng những bút pháp thử nghiệm mang tâm trạng định hướng. Công chúng quan tâm tới chân dung tự họa của các họa sĩ cũng có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm vào chung kết Giải Dogma tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 14 - 30/9.
 
Năm ngoái, lần đầu tiên được tổ chức, Giải Dogma với tên gọi Chân dung tự họa - phía sau tấm gương đã thành công ngoài sự mong đợi. Ban tổ chức đã động viên các họa sĩ bằng cách cơ cấu thêm một giải thưởng đặc biệt. Việc nhiều cây bút trẻ hăng hái tham gia cũng như sự sáng tạo của các tác phẩm đã nâng tầm giá trị của giải thưởng hội họa quốc tế lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Từ xưa đến nay, chân dung tự họa được xem là bản tuyên ngôn của họa sĩ. Ông Dominic Scriven - Trưởng BTC Dogma cũng phát biểu vẽ tranh tự họa là quá trình “chất vấn nội tâm” và “thể hiện bản thân” của người họa sĩ. Trong lịch sử hội họa, nhiều họa sĩ kỳ tài cũng sử dụng tranh hội họa như một phương cách tiếp cận nội tại bản thân, thể hiện những góc khuất con người mình. Những bức chân dung tự họa của các họa sĩ nổi tiếng thế giới như Vincent Van Gogh, Edouard Manet, Picasso, Leonardo Da Vinci... đã trở thành những bức tranh đắt giá nhất trên thế giới.

 Bức tranh giải nhất của họa sĩ Ngô Văn Sắc.

Là tranh miêu tả chân dung bên ngoài của người họa sĩ, một bức tự họa xuất sắc đồng thời phải phản ánh được thế giới nội tâm, cá tính sáng tạo của người cầm cọ. Ở Việt Nam, thể loại tranh tự họa xuất hiện từ đầu thế kỷ trước nhưng chưa được nhiều họa sĩ lựa chọn hoặc công bố. Hiểu đúng về bản ngã và thể hiện một cách hấp dẫn về mặt nghệ thuật thì mới có thể có được một tác phẩm bám sát tinh thần - một năng lực nghệ thuật mà không phải ai cũng có được.

Tại Giải Dogma, các họa sĩ trẻ không chỉ sử dụng chất liệu truyền thống - vẽ sơn dầu trên vải bố mà còn chuyển tải chân dung tự họa bằng các chất liệu khác như sơn mài, khắc gỗ, nhiếp ảnh. Tác phẩm đoạt giải Nhất của Ngô Văn Sắc được vẽ bằng cách độc đáo là đốt trên gỗ tự nhiên, những vân gỗ hiển hiện cũng là một phần của bức tranh, bên cạnh những gương mặt người. Các bức đoạt giải cao khác của Phạm Tuấn Tú, Phạm Quang Hiếu, Đỗ Thế Thịnh và Đặng Xuân Hùng cũng mang đến những trải nghiệm thị giác lạ lẫm.

Tiêu chí “can đảm và trung thực” của Giải Dogma năm nay đã được các họa sĩ thể hiện trên nhiều phương diện. Bằng bút pháp tả thực hoặc trừu tượng, hoài niệm, truyền thống hoặc đương đại, các chân dung tự họa “chứa đựng những chấn thương”, mang những ý nghĩa châm biếm, thách thức, giãi bày đầy nghệ thuật - nhu cầu rất chính đáng của người họa sĩ.

Giải thưởng Dogma đã chắp cánh cho nhu cầu chiêm nghiệm, khám phá bản thân của các họa sĩ. Và cũng bằng cách này, Dogma góp phần giải phóng tư tưởng, đưa chiều sâu tâm hồn họa sĩ đến gần hơn với công chúng hội họa. Người thưởng thức “lành nghề” cũng hiểu rằng khi chiêm ngắm một bức chân dung tự họa tức là cả giá trị tự thân của người họa sĩ cũng như cái nhìn tinh tế về thực trạng xã hội đang phô bày trước mắt họ. Nghệ thuật tự họa chân dung cho công chúng cái nhìn đa chiều về bối cảnh thời đại chúng ta đang sống.  

Sa Nam


Ý kiến của bạn