Hà Nội

Chân dung trùm khủng bố ISIS khiến Al-Qaeda cũng phải chào thua

19-06-2014 08:41 | Quốc tế
google news

Thủ lĩnh ISIS là al-Baghdadi được mô tả còn cực đoan hơn cả Osama bin-Laden và tổ chức này còn hà khắc hơn cả al-Qaeda.

Thủ lĩnh ISIS là al-Baghdadi được mô tả còn cực đoan hơn cả Osama bin-Laden và tổ chức này còn hà khắc hơn cả al-Qaeda.

Các chiến binh thánh chiến của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận đông" đang trở thành mối quan tâm toàn cầu trong những ngày qua khi khởi động tấn công đánh chiếm hai thành phố lớn của Iraq, đe dọa cả thủ đô Baghdad và thực hiện các tội ác đẫm máu khiến cả thế giới bất bình.

ISIS là gì?

Những chiến binh Hồi giáo nổi dậy ở Iraq thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận đông". Đây là một nhóm chiến binh người Hồi giáo dòng Sunni được biết đến trong tiếng Ả Rập là Da'ash.

Nhóm này phát triển từ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo Iraq", một nhánh của al-Qaeda ra đời năm 2003 sau khi Mỹ khai mào chiến tranh Iraq.

Abu-Bakr al-Baghdadi hay còn gọi là Abu Dua (43 tuổi) - trùm sỏ của ISIS.

Trùm sỏ của ISIS là Abu-Bakr al-Baghdadi hay còn gọi là Abu Dua (43 tuổi) có tên thật là Awwad Ibrahim Ali al-Badri al-Samarrai. Abu Dua từng bị lực lượng Mỹ bắt giam trong năm 2005-2009.

Có thông tin cho rằng al-Baghdadi đã phát triển tư tưởng cực đoan trong thời gian bị giam giữ, nhưng số khác cho rằng hắn đã từng là một nhà thuyết giảng gây hận thù từ thời chính quyền Saddam Hussein. al-Baghdadi đã tốt nghiệp Đại học Baghdad và có tên trong danh sách khủng bố của Liên Hợp Quốc từ năm 2011.

al-Baghdadi từng cạnh tranh với kẻ cầm đầu Mặt trận al-Nusra và Ayman al-Zawahiri để trở thành trùm al-Qaeda, nhưng đã thất bại trước al-Zawahiri. al-Baghdadi được cho là còn cực đoan hơn cả Osama bin-Laden và từ chối đề nghị sát nhập của al-Zawahiri mà tập trung các phần tử khủng bố ở Iraq và Syria thành lập nên nhóm riêng của mình.

al-Baghdadi đã thu hút hàng ngàn phần tử Hồi giáo cực đoan dòng Sunni cả trong và ngoài nước gia nhập lực lượng của mình. Cuối năm ngoái, al-Baghdadi tuyên bố thành lập nhóm ISIS trên cơ sở sát nhập với một đối thủ liên kết với al-Qaeda hoạt động tại Syria là Mặt trận al-Nusra.

ISIS còn cực đoan tàn bạo hơn cả tổ chức khủng bố al-Qaeda khiến nhóm khủng bố này cũng phải bất bình.

Sau khi chiếm một số khu vực ở Syria, ISIS đã thành lập tòa án, trường học và nhiều cơ quan khác, treo cờ thánh chiến ở khắp mọi nơi họ kiểm soát và đồng thời áp đặt các đạo luật Hồi giáo cực đoan trong khu vực.

Ước tính hiện ISIS có khoảng 7.000 đến 10.000 thành viên. Lực lượng này vốn là các cựu chiến binh al-Qaeda, một số là các cựu chiến binh quân đội Saddam Hussien và các cựu thành viên Ba'athists.

"ISIS hiện đang tái hiện ý thức hệ al-Qaeda rất cao trong cộng đồng thánh chiến", Charles Lister, của Trung tâm Doha Brookings nhận định. "Nó ngày càng trở thành một phong trào xuyên quốc gia với mục tiêu trước mắt vượt xa cả lãnh thổ Iraq và Syria."

ISIS muốn gì?

Mặc dù là một tổ chức Hồi giáo cực đoan có liên kết với al-Qaeda, nhưng ISIS đang hoạt động hoàn toàn độc lập với al-Qaeda. Tháng 2 năm ngoái, al-Qaeda đã thừa nhận rằng họ không thể kết nối được với ISIS và không chịu trách nhiệm về hành động của nhóm này. ISIS được cho là quá cực đoan tàn bạo so với al-Qaeda

Các phần tử vũ trang ISIS cùng với cờ thánh chiến của mình. Tổ chức khủng bố này muốn thành lập một nhà nước riêng của người Sunni trong khu vực và cai trị bằng các luật lệ Hồi giáo vô cùng hà khắc.

Phương pháp và thái độ tấn công khủng bố của ISIS khiến cả al-Qaeda không thể chấp nhận. Họ đánh bom bừa bãi trong các khu vực dân cư, áp dụng các luật Hồi giáo quá khắc nghiệt và cực đoan gây ảnh hưởng tới cả al-Qaeda.

Trong bức thư dài 21 trang đề tháng 11/2011, một phần tử cực đoan người Mỹ Adam Gadahn đã khuyên các lãnh đạo al-Qaeda  bày tỏ bất mãn với các hành vi ISIS đã tự ý thực hiện mà không có sự tham khảo ý kiến của tổ chức này.

al-Qaeda không làm theo lời khuyên của Gadahn, nhưng mối quan hệ với ISIS ngày càng trở nên rạn nứt, mặc dù trên danh nghĩa cả ISIS, al-Qaeda và Mặt trận al-Nusra ở cùng một phe với mục tiêu chung là thành lập nhà nước Hồi giáo riêng trên lãnh thổ Syria và Iraq.

Kể từ sau sự kiện ngày 11/9, các chiến binh thánh chiến như ISIS, đã biết tận dụng lợi thế của internet, mạng xã hội để phổ biến thông tin, tạo ra câu chuyện riêng của mình và kích động những người ủng hộ.

Các nguồn tài trợ của ISIS

Kể từ cuối năm 2011, các tổ chức từ thiện Hồi giáo và các cá nhân giàu có ở vùng Vịnh đã trài trợ cho các nhóm nổi dậy tại Syria, trong đó có ISIS. Ngoài ra, tổ chức này cũng có một nguồn thu nhập lớn từ các mỏ dầu ở đông Syria mà họ đã chiếm được từ cuối năm 2012, buôn lậu các tài sản cướp phá được trong cuộc nội chiến ở Syria và buôn bán, khai quật cổ vật.

Một quan chức tình báo nói với Guardian rằng ISIS kiếm được 36 triệu USD từ al-Nabuk (một khu vực ở vùng núi Qalamoun, nằm phía Tây Damascus) bao gồm cả tiền bán cổ vật lên 8.000 năm tuổi.

Trong vụ tấn công chiếm thành phố Mosul của Iraq hồi giữa tháng này, ISIS đã cướp phá một ngân hàng lấy đi 875 triệu USD. Nhóm này cũng tịch thu các thiết bị quân sự mà quân đội Iraq bỏ lại với giá trị ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD, các quan chức Iraq cho biết.

Ngoài ra, Mỹ đã cố gắng gây áp lực lên chính phủ ở Saudi Arabia, Kuwait và Qatar để trấn áp tài trợ cho các nhóm cực đoan người Sunni, nhưng không thành công vì họ cho rằng Washington đã không hành động đủ mạnh để chống lại chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người được xem là mối đe dọa của họ.

 

 


Ý kiến của bạn