Tulio de Oliveira – Nhà khoa học tìm ra biến thể Omicron
Nhà công nghệ thông tin-sinh học người Nam Phi góp phần nhận diện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao Omicron. Điều này giúp chúng ta đưa các biện pháp phòng ngừa từ sớm để ngăn chặn làn sóng mới của đại dịch.
Vào ngày 25/11/2021, Tulio de Oliveira tuyên bố phát hiện ra biến thể mới của virus SARS-CoV-2, sau đó được đặt tên là Omicron. Biến thể này được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm từ Botswana, Nam Phi, và Hong Kong với các đột biến mà Oliveira và các nhà khoa học hàng đầu khác lo ngại có thể làm giảm hiệu quả của vaccine.
Tulio de Oliveira là giám đốc trung tâm giải trình tự gene và sáng kiến nghiên cứu KwaZulu-Natal của Nam Phi (KRISP). Trước đó 1 năm, ông cùng đội ngũ của mình cũng đã phát hiện biến thể đáng quan ngại Beta ở Nam Phi.
Đây không phải lần đầu tiên việc giải trình tự gene góp phần cảnh báo sớm và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát ở châu Phi. Trước đó, các nhà khoa học đã giải trình tự gene để truy vết dịch Ebola ở Tây Phi từ năm 2014-2016. KRISP thành lập năm 2017 dưới sự dẫn dắt của Oliveira góp phần truy vết sốt xuất huyết và Zika, góp phần cả phòng chống lao và HIV/AIDS.
Tulio de Oliveira cũng là người có tầm ảnh hưởng về mặt chính sách. Ông cũng đội ngũ của mình đã góp phần vào hướng dẫn hiệu quả tránh lây lan COVID-19 trong bệnh viện.
John Jumper – nhà khoa học dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán cấu trúc protein
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể biết về cấu trúc của mọi loại protein cũng như phản ứng bề mặt của nó chỉ đơn giản bằng cách lướt web? John Jumper và các đồng nghiệp tại DeepMind ở London đang cố gắng hé lộ nhờ AlphaFold, một phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán mô phỏng cấu trúc protein với độ chính xác cao.
"Nó sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành sinh học hiện đại", nhà vật lý sinh học Tobin Sosnick tại Đại học Chicago cho biết.
AlphaFold cùng với phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu mô phỏng cấu trúc cho gần như tất cả protein ở người và 20 sinh vật khác, với tổng số cấu trúc 250.000 loại protein. Sắp tới, đội ngũ dự định sẽ đưa ra dự đoán cấu trúc của gần một nửa mọi loại protein – với tổng số lên tới 130 triệu cấu trúc protein vào năm 2022.
Việc giải mã protein bằng cách hiểu rõ về cấu trúc của nó sẽ góp phần phát hiện ra các đột biến protein vốn là nguyên nhân gây ra các bệnh lý thần kinh, ung thư máu,… Nó cũng sẽ góp phần tạo tiền đề cho nghiên cứu tìm ra biện pháp điều trị hay thuốc mới hiệu quả hơn.
Winnie Byanyima - "Chiến binh vaccine"
Nhà lãnh đạo thuộc Liên hợp quốc này hiểu rõ rằng việc tiếp cận công bằng với vaccine là điều không thể xảy ra nếu chúng ta không nỗ lực ngay từ đầu.
Từ trước khi vaccine COVID-19 ra đời, bà Winnie Byanyima đã biết rằng để phân phối công bằng công cụ giúp thế giới ngăn chặn đại dịch là thách thức. Là người đứng đầu tổ chức phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS) của LHQ, bà đã dày dạn kinh nghiệm phát triển mô hình đưa thuốc trị HIV đến rộng rãi với người dân trên thế giới kể từ thập niên 2000.
Winnie Byanyima là một trong những nhà lãnh đạo đã kêu gọi phải có cơ chế bền vững kết hợp công tư để đưa những liều vaccine COVID-19 cứu mạng tới các nước thu nhập thấp và trung bình ngay từ đầu năm 2020, khi vaccine mới trong giai đoạn manh nha.
Winnie Byanyima cũng là người ủng hộ việc từ bỏ bản quyền vaccine COVID-19 để giúp người dân thế giới tiếp cận vaccine nhanh chóng hơn.
Nhà "thám tử" khí hậu Friederike Otto
Trong danh sách các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới do tạp chí Nature bình chọn còn có người đi tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu như Friederike Otto.
Friederike Otto cùng các đồng nghiệp tại tổ chức nghiên cứu về thời tiết thế giới World Weather Attribution (WWA) nghiên cứu về thời tiết cực đoan, các đợt nắng nóng cực điểm cũng như lũ lụt bất thường.
WWA dự báo mô hình 50 kiểu thời tiết để trình lên Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Bản báo cáo này đã ra mắt trước thềm Hiệp ước Paris chống biến đổi khí hậu (COP 26). WWA hy vọng cùng các nghiên cứu khí hậu của các nhà khoa học từ các nước có thu nhập trung bình và thấp khác sẽ góp phần thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những lĩnh vực như AI, môi trường và phòng chống đại dịch, thám hiểm vũ trụ góp mặt với một đại diện từ Trung Quốc. Đó chính là Zhang Rongqiao, thiết kế trưởng đứng đằng sau sứ mệnh chinh phục sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc, mở ra tiềm năng đưa vệ tinh lên các hành tinh khác của nước này như sao Thủy trong tương lai.
Mời độc giả xem thếm video:
Những điều người cao tuổi cần nắm rõ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19