Chân dung người phụ nữ dũng cảm - Tổng thư ký Pháp ngữ Michaëlle Jean

13-10-2016 14:40 | Quốc tế

SKĐS - Hành trình từ Haiti tới Canada và trở thành Tổng thư ký Pháp ngữ của bà Michaëlle Jean cho thấy một nghị lực phi thường cũng như cống hiến không mệt mỏi cho sự tiến bộ của nhân loại.

Tong thu ky Phap ngu Michaëlle Jean

Người phụ nữ phi thường này đã giành nhiều giải thưởng ở Canada như giải thưởng Hội đồng cơ mật của Nữ hoàng về Canada (CP), Huân chương Canada hạng nhất, Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp,... cùng vô số các giải thưởng khác. Đồng thời dưới sự tích cực của bà, nhiều quỹ đã được thiết lập để chống đói nghèo cũng như góp phần thúc đẩy đoàn kết nhân loại.

Bà Michaëlle Jean đã được bầu làm Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ ngày 30/11/2014 tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 của Cộng động Pháp ngữ.

Hành trình từ Haiti tới Canada

Sinh năm 1957 tại Port au Prince, Haiti, Bà đến Canada năm 1968 cùng cha mẹ cũng như hàng nghìn gia đình khác chốn trạy chế độ độc tài của François Duvalier. Bà đã biết đến những khó khăn khi phải hòa nhập và sống nỗi đau của người sống xa quê hương. Québec trở thành quê hương thứ 2 của Bà.Tại trường Đại học Montréal, Bà đã hoàn thành bằng cử nhân Nghệ thuật và Văn chương hiện đại (ngôn ngữ Ý và Tây Ban Nha).

Vừa dạy ngôn ngữ và văn học Ý, Bà đã hoàn thành bằng Master Văn học so sánh. Sau đó, Bà đã giành được 3 học bổng tu nghiệp ở Ý, tại Trường Đại học Pérouse, Trường Đại học Florence và Trường Đại học Công giáo Milan. Bà Michaëlle Jean nói thành thạo 5 ngôn ngữ Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nhà và Créole.Ngoài ra, Bà có thể đọc được tiếng Bồ Đào Nha. Song song với quá trình học tập, Bà nỗ lực xây dựng trong 10 năm một mạng lưới các cơ sở cứu trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.Mạng lưới trên sau đó đã được triển khai trên khắp vùng Québec và các tỉnh khác của Canada.

Kết hôn với đạo diễn điện ảnh, nhà văn và triết gia người Pháp Jean Daniel Lafond, Bà lại có sợi dây gắn bó mới, lần này là với nước Pháp, cái nôi của văn hóa, quê hương của chồng Bà. Hai vợ chồng Bà có một con gái Marie-Eden sinh tại Haiti. Cuộc sống của Bà Michaëlle Jean từ nay gắn bó phương Nam và phương Bắc, với Cựu lục địa và Tân thế giới. Bà cũng tham gia vào nhiều bộ phim tài liệu do chồng thực hiên : Phong cách đen hay Aimé Césaire, một chặng đường ; Cực Bắc ; Haiti trong giấc mơ của chúng ta và thời khắc Cuba. Tất cả các bộ phim này đều nhân được giải thưởng của Canada và quốc tế.

Từ 1988 đến 2005, Bà đã có một sự nghiệp nhà báo xuất sắc đồng thời là biên tập viên cho các chương trình thời sự trên sóng truyền hình quốc gia Canada, mạng lưới thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Pháp/CBC-Radio Canada. Trong thời gian làm báo, Bà đã đạt nhiều giải thưởng.Cơ quan Nghị viện Pháp ngữ đánh giá cao đóng góp của Bà và đã trao Bà Huân chương la Pleiade hạng Kị sỹ.Ngoài ra, thành phố Montréal và Bộ Nhập cư và Quan hệ công dân của Québec cũng trao tặng Bà danh hiệu Công dân danh dự.

... Đến những đóng góp cho nhân loại

Ngày 27/11/2005, Bà Michaëlle Jean trở thành Toàn quyền thứ 27 của Canada đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.Bà Michaëlle Jean đã đi khắp các tỉnh và lãnh thổ của Canada, từ bờ Đông sang bờ Tây và cả vùng Bắc cực. Bà phấn đấu thúc đẩy đối thoại và đoàn kết, khuyến khích phát huy sáng kiến trên thực địa, thúc đẩy tinh thần xây dựng, bảo vệ các đối tượng thiệt thòi nhất và quan tâm đặc biệt tới thanh niên. Người dân Canada ở tất cả mọi nơi đều đánh giá cao và mong muốn gặp Bà và Bà chủ động gặp gỡ người dân để lắng nghe, truyền đạt tâm tư ý kiến, làm cầu nối và thúc đẩy xây dựng mạng lưới hành động liên Canada.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Canada, Bà luôn đồng hành cùng Quân đội. Bà đã sang Afghanistan biểu dương tinh thần dũng cảm của người lính Canada và luôn sát cánh cùng gia đình binh lính bị thương hoặc hy sinh trong chiến đấu.

Toàn quyền Canada Michaëlle Jean luôn đặt mục tiêu nâng cao vai trò vị thế của Canada trên trường quốc tế làm trọng tâm trong hoạt động của mình.Trong 5 năm nhiệm kỳ làm Toàn quyền, Bà đã thực hiện 40 chuyến thăm cấp Nhà nước và chính thức tại nước ngoài, từ Afghanistan sang Trung Quốc, thăm 10 nước châu Phi, 9 nước châu Mỹ và trên 10 nước châu Âu.

Bà Michaëlle Jean được trao tặng các danh hiệu sau: thành viên Hội đồng cơ mật của Nữ hoàng về Canada (CP), Huân chương Canada hạng nhất (C.C), Huân chương công trạng quân sự hạng nhất (C.M.M), Huân chương công trạng của lực lượng cảnh sát hạng nhất (C.O.M), Kỷ niệm chương của lực lượng vũ trang Canada (C.D). Ngày 13/7/2011, Pháp quyết định trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh Hạng nhất cho Bà Michaëlle Jean để ghi nhận “tinh thần đấu tranh nhạy bén của Bà vì quyền và tự do trên mọi mặt trận”, “tinh thần đoàn kết sâu sắc”, “lòng quả cảm đấu tranh chống mọi bất công trên thế giới này”, “sự gắn bó của Bà với nước Pháp” và “đóng góp xuất sắc của Bà cho tình hữu nghị Pháp-Canada”. Ngày 30/6/2014, Benin cũng đã trao tặng Bà Huân chương quốc gia hạng nhất.

Trở về cội nguồn Haiti và những hoạt động nhân văn

Bà luôn gìn giữ ký ức về cội nguồn của mình. Ngày 12/1/2010, một trận động đất kinh hoàng đã tàn phá quê hương Bà và làm thiệt mạng 300.000 người.Một làn sóng đoàn kết của Canada với Haiti với qui mô chưa từng có đã được phát động. Tháng 10 năm 2010, nhiệm kỳ toàn quyền của Bà kết thúc và không ngần ngại Bà đã nhận trọng trách làm Đặc phái viên của Unesco về Haiti. Bà đã dành trọn tâm sức và tài thuyết khách để hỗ trợ nỗ lực Haiti tái thiết sau vụ động đất cũng như quyết tâm của người dân Haiti vượt qua hoàn cảnh sống phụ thuộc vào viện trợ quốc tế.

Bà Michaëelle Jean tin tưởng rằng thanh niên luôn là sức mạnh và hy vọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Đó cũng là lý do Bà đã cùng chồng thành lập Quỹ Michaëlle Jean triển khai các chương trình hỗ trợ và thu hút sự tham gia thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Canada thông qua nghệ thuật và văn hóa. Bà tiếp tục theo đuổi công tác đoàn kết và nghĩa vụ công dân vốn là kim chỉ nam trong cuộc sống của mình.

Năm 2012, Bà được bầu làm Hiệu trưởng trường Đại học Ottawa, trường đại học song ngữ Anh Pháp lớn nhất thế giới.Bà đã thúc đẩy một chương trình hợp tác quan trọng về đồng hướng dẫn luận văn và đồng cấp bằng với nhiều trường đại học khác của các nước Pháp ngữ, góp phần tăng cường năng lực, tri thức và chuyên môn hóa. Bà Michaëlle Jean rất tích cực hành động để quảng bá tiếng Pháp. Năm 2010, theo đề nghị của Tổng thư ký Pháp ngữ, Bà đã đảm nhận xuất sắc vai trò là Đại diện Pháp ngữ tại Thế vận hội Olympique và Paralympique dành cho người khuyết tật Luân Đôn năm 2012.

Bà Michaëlle Jean đã được nhận giải thưởng Prix Canada 2009 của Quỹ phát triển Liên hợp quốc vì phụ nữ (UNIFEM) vì những đóng góp đặc biệt của Bà trong thúc đẩy bình đẳng giới. Cũng trong năm 2009, Bà còn nhận được Giải thưởng do Hội đồng quản trị của Viện Chất lượng quốc gia trao nhằm ghi nhận công lao đặc biệt của Bà góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân Canada và của nhân loại.

Năm 2011, Mạng lưới quốc tế các trường Đại học trên thế giới chống đói nghèo (Universities Fighting World Hunger) đã phát động Giải thưởng cứu đói khẩn cấp Michaëlle Jean nhằm ghi nhận công lao của các sinh viên có thành tích nổi bật về cứu đói trong các tình huống thảm họa nhân đạo. Nhiều trường đại học của Canada và nước ngoài đã trao tặng Bà danh hiệu Tiến sỹ danh dự nhằm vinh danh các cam kết và hành động của Bà : Trường Đại học Ottawa (2006), Trường Đại học Pérouse-Italia (2006), Trường Đại học McGill (2006), Trường Đại học York (2007), Trường Đại học Manitoba (2007), Trường Đại học Alberta (2008), Trường Đại học Moncton (2009), Trường Đại học Laval (2009), Trường Quân sự Hoàng gia Canada (2010), Trường Đại học Montréal, học hiệu (2010), Trường Đại học Guelph (2011), Trường Đại học Calgary (2011), Luật sư đoàn vùng Thượng Canada (2012), Trường Đại học Carleton (2012), Trường Đại học sư phạm Lyon (2012), Trường Đại học Paul de Chicago (2013), Trường Norquest (2013), Trường Đại học Laurent (2014).

Tổng thư ký Pháp ngữ Michaëlle Jean thăm tòa soạn Le Courrier du Vietnam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam (11-13/10), ngày 12/10, bà Michaëlle Jean, Tổng thư ký tòa soạn Pháp ngữ đã đến thăm tòa soạn báo Le Courrier du Vietnam, thuộc TTXVN. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thư ký Pháp ngữ tới tòa soạn Le Courrier du Vietnam, đánh dấu một bước đầu tiên trong chính sách coi trọng hợp tác và phát triển cộng đồng Pháp ngữ tại Việt Nam cũng như vai trò của Le Courrier du Vietnam trong cộng đồng Pháp ngữ.

Vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ

Trong thời gian vừa qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục được củng cố và tăng cường. Với 80 Nhà nước và Chính phủ thành viên, chiếm 20% trao đổi thương mại thế giới , Cộng đồng Pháp ngữ là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhiều lần dự các hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thường xuyên trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao các nước thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Về phần mình, Cộng đồng Pháp ngữ cũng đánh giá cao vai trò đầu tàu của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thư ký Pháp ngữ đã 3 lần thăm Việt Nam (ông B.B Ghali năm 1998 và ông A. Diouf các năm 2004 và 2014).

Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn