Bà Emma Tucker vào tháng 12/2022 đã được bổ nhiệm làm nữ tổng biên tập đầu tiên trong 133 năm lịch sử của tờ Wall Street Journal.
Bà Tucker bắt đầu đảm nhiệm công việc từ tháng 2 năm nay. Đây là ví dụ mới nhất cho xu hướng nữ giới đứng đầu các cơ quan truyền thông lớn trong thời gian qua. Tiêu biểu có thể kể đến những cái tên như bà Alessandra Galloni - nữ tổng biên tập đầu tiên trong lịch sử 170 năm hình thành và phát triển của hãng thông tấn Reuters (Anh), tổng biên tập tờ Washington Post (Mỹ) Sally Buzbee và tổng biên tập hãng thông tấn AP (Mỹ) Julie Pace.
Nhưng trường hợp của bà Emma Tucker còn đánh dấu mốc lần đầu tiên tổng biên tập của ba tờ báo tài chính nổi tiếng nhất thế giới The Economist/Financial Times/Wall Street Journal đều do nữ giới đảm nhận.
Làn gió mới của Wall Street Journal
Ông Robert Thomson, giám đốc điều hành công ty mẹ của Wall Street Journal là News Corp, đã mô tả bà Tucker là một “biên tập viên xuất sắc, đầy cảm hứng, hiểu về kỹ thuật số và sở hữu các tiêu chuẩn cao nhất về tính chính trực”. Trước khi về Wall Street Journal, bà Tucker (56 tuổi) là tổng biên tập của tờ Sunday Times từ tháng 1/2020, vốn cũng thuộc sở hữu của News Corp. Dưới sự quản lý của bà Tucker, độc giả bản điện tử của tờ Sunday Times đã tăng hơn gấp đôi so với trước đó. Lợi nhuận thu được cũng ấn tượng với lượng đăng ký đọc tin tức trả phí tăng từ 320.000 cuối năm 2019 lên gần 450.000 vào cuối tháng 9/2022, gần hơn 40%.
Chìa khóa thành công của bà Tucker là với vai trò một biên tập viên bạn nên sẵn sàng khác biệt. Bà nêu rõ: “Bạn phải có lòng dũng cảm không thấy bất an khi trang nhất của tờ báo mình khác biệt với những tờ báo khác. Ngày nay điều này không còn quá quan trọng bởi cuộc cạnh tranh của bạn không chỉ còn liên quan tới những tờ báo khác mà là cả internet và nó là thời đại của con người. Bây giờ bạn có thế giới trong tầm tay qua chiếc điện thoại do đó cần phải có được lý do tốt để mọi người đọc tờ báo của bạn. Nó không còn chỉ dừng ở việc chúng ta có câu chuyện tốt hơn với một trong các tờ báo đối thủ của mình”. Bà cũng cho rằng điều quan trọng nhất khi làm một biên tập viên là khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát.
Nữ lãnh đạo đầu tiên của Financial Times từ năm 1888
Bà Roula Khalaf giữ vị trí tổng biên tập tờ Financial Times từ đầu năm 2020. Đây là lần đầu tiên Financial Times có tổng biên tập nữ kể từ khi được thành lập năm 1888.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021, bà Khalaf đã nói về việc đưa Financial Times theo hướng thân thiện hơn với phụ nữ, phấn đấu hướng tới tỷ lệ phân chia quản lý nam-nữ là 50-50 và tăng tỷ lệ phụ nữ viết bình luận cũng như có thêm độc giả đăng ký là nữ giới.
Bà Khalaf khi mới được bổ nhiệm đã chia sẻ cảm thấy “hồi hộp” khi vận hành “tổ chức tin tức tuyệt vời nhất trên thế giới”. Tờ Financial Times đã được bán cho công ty truyền thông Nikkei Nhật Bản vào năm 2015. Do đó, chủ tịch của Nikkei Tsuneo Kita đã nhận định về việc bổ nhiệm bà Khalaf: “Tôi tự tin rằng bà ấy sẽ duy trì sứ mệnh của Financial Times mang đến báo chí chất lượng mà không có chút sợ hãi và thiên vị”.
Bà Khalaf trước khi đảm nhận vai trò tổng biên tập đã gắn bó với Financial Times trong 24 năm, từng phụ trách mảng Trung Đông trong thời gian diễn ra chiến tranh Iraq và mùa Xuân Arab năm 2011. Kể từ năm 2016, bà là phó tổng biên tập của tờ báo này phụ trách lên kế hoạch chiến lược và mục "Trade Secrets" chuyên về thương mại toàn cầu.
Financial Times là tờ báo chuyên về kinh tế nổi tiếng trên thế giới. Nó có 1,3 triệu độc giả đăng ký trên toàn thế giới và 26 triệu lượt đọc trực tuyến mỗi tháng. Vào tháng 12/2022, ấn phẩm báo in của tờ Financial Times là 128.794 bản/ngày.
Lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm của The Economist
Trong khi đó, bà Zanny Minton Beddoes đã nhận trọng trách làm tổng biên tập tờ Economist (Anh) từ năm 2015 và cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ chiếc ghế này. Tám năm trước khi bà Zanny Minton Beddoes được bổ nhiệm, từ khóa “phụ nữ trong vai trò lãnh đạo” đã xuất hiện trong 30 bài viết trên tờ báo này. Trong tám năm kể từ đó, đã có 53 bài báo mang từ khóa này.
Bà Minton Beddoes gắn bó với tờ The Economist từ năm 1994, trước đó bà công tác tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong 2 năm. Và trước khi gia nhập IMF, bà là cố vấn của Bộ Tài chính Ba Lan. Bà là gương mặt quen thuộc trên truyền hình khi tham gia bình luận cho các chương trình của BBC, CNN, NPR, CNBC… Bà nổi tiếng vì chia sẻ sự thấu hiểu sâu sắc về tất cả khía cạnh của kinh tế.
Với vai trò tổng biên tập của The Economist, bà Zanny Minton Beddoes đang chèo lái một ấn phẩm tin tức tài chính được kính trọng và tiếp cận được 1,5 triệu độc giả. Vào năm 2017, bà đã nằm trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn.
Bà Heather McGregor tại Đại học Heriot-Watt (UAE) nhận định việc cả 3 tờ báo hàng đầu thế giới về tài chính có tổng biên tập nữ sẽ góp phần hỗ trợ nữ giới trong lĩnh vực này. Phụ nữ trong kinh doanh có nhiều khả năng được phụ nữ trong giới truyền thông biết đến hơn, điều mà các học giả gọi là “homophily” - mô tả xu hướng của các cá nhân gắn kết với những người có tương đồng. Do đó, bà Heather McGregor cho rằng khi nữ giới được bổ nhiệm vào những công việc này có nghĩa là họ có nhiều khả năng gặp gỡ những phụ nữ thành công khác, một khái niệm được gọi là “sự gắn bó ưu tiên”. Bản chất của những sự bổ nhiệm này cũng sẽ thu hút chú ý của những dư luận đến công trạng của nữ tổng biên tập.