Chẩn đoán ung thư vú bằng trí tuệ nhân tạo

15-05-2020 10:58 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho biết, thuật toán có thể cải thiện độ chính xác của sàng lọc nhũ ảnh. Từ đây đã có thể giảm thiểu cho sự thiếu hụt bác sĩ chụp Xquang... Trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự có thể thay quyền con người trong chẩn đoán bệnh tật hay không?

AI dự báo ung thư vú có độ chính xác cao

Phát hiện sớm ung thư vú được coi là cơ hội vàng của điều trị, do đó, ngay cả khi không có dấu hiệu của bệnh thì phụ nữ ngoài 50 tuổi ở Anh và Mỹ đều được tầm soát ung thư vú. Nhưng nếu các xét nghiệm cho âm tính giả (khi đã có ung thư nhưng không được nhận diện) có thể không được điều trị sớm, trong khi dương tính giả có thể gây lo lắng cho nhiều người.

Trong một nỗ lực nhằm giúp phát hiện bệnh nhanh hơn và chính xác hơn, các nhà nghiên cứu đã huấn luyện một thuật toán hiểu sâu để nhận dạng ung thư vú bằng các phương pháp soi quét với độ chính xác còn tốt hơn cả một chuyên gia về phóng xạ tuyến (bác sĩ Xquang). Dù thuật toán này vẫn còn ở giai đoạn đầu, song nó hứa hẹn sẽ giúp giảm thiểu các kết quả thiếu chính xác khi chẩn đoán bằng phương pháp hiện tại ở Mỹ và giúp bù trừ cho sự thiếu hụt bác sĩ Xquang ở Anh.

DeepMind (thuộc sở hữu của Google) đã làm việc với các tổ chức của Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) để phát triển AI. Chỉ trong vòng 2 năm qua, các nhà nghiên cứu của Cao đẳng Hoàng gia London (CRUK), Đại học Tây Bắc, Bệnh viện hoàng gia Surrey và Google Health đã sử dụng hệ thống hiểu sâu được phát triển bởi DeepMind trên 2 bộ dữ liệu khác nhau về quét vú (1 bộ của Mỹ và 1 bộ của Anh) cho thấy rằng AI có thể đọc quang tuyến vú một cách chính xác.

Chẩn đoán ung thư vú bằng trí tuệ nhân tạoChương trình DeepMind có sử dụng AI để chẩn đoán nhiều bệnh nguy hiểm. Ảnh nguồn: Philly Voice.

So sánh AI với các chuyên gia con người, hệ thống nói rằng đã nhìn thấy sự giảm các dương tính giả xuống 5,7% ở Mỹ và 1,2% ở Anh cũng như giảm các âm tính giả xuống mức 9,4% ở Mỹ và 2,7% ở Anh.

Ở Mỹ, ung thư vú thường được kiểm tra bởi một bác sĩ Xquang, trong khi các nhũ ảnh của NHS thường được kiểm tra tối thiểu bởi 2 bác sĩ Xquang. Nếu 2 bác sĩ đó bất đồng với kết quả thì quá trình quét sẽ được kiểm tra lần thứ 3 và có thể là lần thứ  4, nhưng Anh hiện đang thiếu ít nhất 1.104 bác sĩ Xquang.

Tiềm năng chẩn đoán bệnh bằng AI

Ông Dominic cho rằng, nếu vai trò của người đọc thứ 2 có thể được thay thế một phần bởi AI thì có thể giải quyết được sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Từ 3-4 năm trước, từng có một nhóm các bác sĩ Xquang ngực ở Anh đã liên hệ với Google Health và chấp nhận việc dùng AI can thiệp vào chẩn đoán. Đây cũng là suy nghĩ quan trọng về cách thức công nghệ có thể bắt đầu hỗ trợ tính bền vững của dịch vụ y tế, bởi vì hiện tại đang có sự chậm trễ nan giải.

Chẩn đoán ung thư vú bằng trí tuệ nhân tạoGoogle AI có thể chụp quang tuyến vú giúp xác định chính xác ung thư vú.      Ảnh nguồn: Financial Times.

Bà Caroline Rubin - Phó Chủ tịch của Phóng xạ học lâm sàng tại RCR cho rằng: “Dù nghiên cứu thành công nhưng AI không thể thay thế hoàn toàn cho các bác sĩ con người mà nó đóng vai trò hỗ trợ công tác chẩn đoán. AI sẽ đóng vai trò giúp đỡ tối đa khi chúng trở thành đôi mắt thứ 2 và là chiếc lưới an toàn”.

Các nhà nghiên cứu Google Health còn muốn thực hiện nhiều nghiên cứu hơn, không chỉ phục vụ cho hồi cứu, dữ liệu lịch sử mà còn đối với các bệnh nhân hiện tại. Bà Caroline cũng cho rằng cần phải có những kiểm tra nghiêm ngặt và quy định cẩn thận. Hiện đang có những lo ngại xoay quanh quyền riêng tư dữ liệu liên quan đến bước đột phá mới nhất của Google vào lĩnh vực nghiên cứu y tế. Ông Christopher nhấn mạnh rằng nhóm nghiên cứu đang quan sát siêu dữ liệu liên quan đến mỗi hình ảnh nhằm đảm bảo rằng AI không “hoạt động kém” trên các dấu hiệu nhỏ và cần các phân tích sâu hơn để không có sự sai lệch.

Ông Andrew Holding - một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Cambridge (CRUK) cảnh báo: “Một bác sĩ lâm sàng sẽ nhanh chóng nhìn ra có những thứ lạ ở sắc tố da dựa trên kinh nghiệm. Nhưng vì AI chưa từng nhìn thấy điều đó nên cách chẩn đoán của máy sẽ diễn ra theo một cách không thể dự báo trước được. Và nếu bệnh viện nào đó sử dụng một thiết bị cũ kỹ để chụp quang tuyến vú thì sẽ dẫn đến các kết quả chẩn đoán sai lệch cho bệnh nhân. Những vấn đề này có thể giải quyết được nhưng chúng cũng là một thách thức lớn”.


Phan Bình
Ý kiến của bạn