Hà Nội

Chẩn đoán ung thư sớm có thể cứu sống và giảm chi phí điều trị

16-08-2017 08:58 |
google news

SKĐS - Theo hướng dẫn mới đây của WHO, việc đảm bảo các dịch vụ y tế tập trung vào chẩn đoán và điều trị sớm ung thư có thể cải thiện cơ hội sống sót cho những người sống chung với căn bệnh ung thư…

Các số liệu mới nhất của WHO vừa công bố cho thấy, mỗi năm có 8,8 triệu người chết vì bệnh ung thư, chủ yếu là ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Một vấn đề đáng quan tâm là đa số trường hợp ung thư được chẩn đoán quá muộn. Ngay cả ở các nước có hệ thống y tế và dịch vụ tối ưu thì vẫn có nhiều trường hợp ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn bệnh tiến triển, vì vậy việc điều trị thành công là rất khó khăn.

"Chẩn đoán ung thư ở giai đoạn cuối, và không có khả năng cung cấp điều trị đã làm cho người bệnh  đau đớn và tử vong sớm”. TS. Etienne Krug, chuyên gia của WHO cho biết. "Bằng cách thực hiện các bước hướng dẫn mới của WHO các nhà hoạch chăm sóc sức khỏe có thể cải thiện chẩn đoán sớm ung thư và đảm bảo điều trị kịp thời, đặc biệt là ung thư vú, ung thư cổ tử cung, và ung thư đại trực tràng. Điều này sẽ giúp cứu sống nhiều người bệnh và giảm chi phí điều trị”. Tất cả các nước có thể thực hiện các bước theo hướng dẫn mới của WHO để chẩn đoán sớm ung thư.

Ba bước để chẩn đoán sớm ung thư

Theo WHO, để chẩn đoán sớm ung thư, các nước cần:

  1. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về triệu chứng của các bệnh ung thư khác nhau và khuyến khích người dân đi khám khi xuất hiện triệu chứng.

  2. Đầu tư vào cải thiện chất lượng và trang thiết bị của các dịch vụ y tế, và đào tạo cán bộ y tế chẩn đoán chính xác, kịp thời.

  3. Đảm bảo bệnh nhân ung thư được điều trị một cách an toàn và hiệu quả, bao gồm cả được giảm đau, mà không gặp phải khó khăn nào cả về cá nhân lẫn về mặt tài chính.

    Điều này sẽ khó khăn hơn đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, có ít khả năng cung cấp dịch vụ chẩn đoán hiệu quả, bao gồm chẩn đoán hình ảnh, test trong phòng thí nghệm, và bệnh học – những yếu tố then chốt giúp chẩn đoán ung thư và lên kế hoạch điều trị. Hiện tại, các nước không có khả năng đồng đều trong việc đưa ra cho người bệnh mức độ chăm sóc đúng mức.

    WHO  khuyến khích các nước ưu tiên các dịch vụ chẩn đoán và chữa trị ung thư tốn ít chi phí và đạt hiệu quả cao. Tổ chức này cũng khuyến khích giảm sự cần thiết của việc người dân tự chi trả cho chi phí điều trị, điều ngăn chặn rất nhiều người tìm cách chữa trị ngay từ đầu.

    Phát hiện sớm ung thư cũng làm giảm đáng kể tác động về mặt tài chính lên bệnh nhân: Chi phí điều trị ung thư ít hơn đáng kể ở các giai đoạn đầu, và người bệnh cũng có thể tiếp tục làm việc và nuôi gia đình nếu họ có thể được chữa trị kịp thời. Năm 2010, tổng chi phí hàng năm của nền kinh tế do điều trị bệnh ung thư và mất sức lao động ước tính khoảng 1,16 nghìn tỉ đô-la.

    Các chiến lược cải thiện việc phát hiện sớm ung thư có thể được tích hợp vào các hệ thống y tế với chi phí thấp. Từ đó, phát hiện sớm có thể giúp điều trị hiệu quả hơn, ít phức tạp hơn, và ít tốn kém hơn. Các nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập cao đã cho thấy, việc điều trị các bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm ít tốn kém hơn từ 2 đến 4 lần những người được phát hiện muộn.

    Tầm soát ung thư vú cho phụ nữ trên 40  tuổi

    Cam kết thực hiện mục tiêu sức khoẻ và phát triển toàn cầu

    Bác sĩ Oleg Chestnov, chuyên gia của WHO cho biết: “Chính phủ hành động nhanh để đẩy mạnh việc chẩn đoán sớm ung thư là chìa khoá để đạt được mục tiêu sức khoẻ và phát triển toàn cầu, bao gồm các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)". Mục đích nhằm đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi lứa tuổi. Các nước thống nhất mục tiêu giảm tử vong sớm do ung thư và các bệnh không truyền nhiễm khác (bệnh không lây nhiễm) bằng 1/3 vào năm 2030. Họ cũng đồng ý để đạt được bảo hiểm y tế toàn dân, bao gồm cả bảo vệ rủi ro tài chính, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu chất lượng và tiếp cận an toàn, hiệu quả, chất lượng và các loại thuốc thiết yếu giá cả phải chăng và vắc-xin; đồng thời, những nỗ lực để đáp ứng mục tiêu SDG khác, chẳng hạn như cải thiện sức khỏe môi trường và giảm bất bình đẳng xã hội cũng có thể giúp giảm bớt gánh nặng ung thư.

    Hiện hơn 14 triệu người mắc bệnh ung thư mỗi năm, và con số này được dự báo là sẽ tăng lên 21 triệu vào năm 2030. Tiến độ về tăng cường chẩn đoán ung thư sớm và điều trị cơ bản cho tất cả có thể giúp các nước đạt được mục tiêu quốc gia gắn liền với SDGs.

    Bảo Lâm
    Ý kiến của bạn