Chẩn đoán thiếu sắt và quá tải sắt qua nồng độ ferritin huyết thanh

24-04-2020 12:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra hướng dẫn cụ thể giúp các chuyên gia y tế đánh giá tình trạng thiếu sắt hay quá tải sắt thông qua nồng độ ferritin huyết thanh.

Vai trò của sắt trong cơ thể

Sắt là một nguyên tố thiết yếu với các chức năng quan trọng như vận chuyển oxy, tổng hợp DNA và chuyển hóa ở cơ. Thiếu sắt là nguyên nhân chính gây thiếu máu, là tình trạng thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Theo WHO, ước tính có 42% trẻ em dưới 5 tuổi và 40% phụ nữ mang thai trên toàn thế giới bị thiếu máu. Tình trạng quá tải sắt, mặc dù ít gặp hơn, nhưng là kết quả của các rối loạn về máu gây suy giảm sức khỏe của người bệnh nếu không được điều trị.

Thiếu sắt là nguyên nhân chính gây thiếu máu của 614 triệu phụ nữ và 280 triệu trẻ em trên toàn cầu. Thiếu sắt gây ra nhiều hậu quả đối với mọi lứa tuổi. Thiếu sắt ở trẻ em dưới hai tuổi có thể tác động xấu tới sự phát triển của não bộ, làm giảm thành tích học tập sau này. Sự phát triển nhận thức của một đứa trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng nếu người mẹ bị thiếu sắt trong ba tháng cuối của thai kỳ. Ở phụ nữ mang thai, thiếu sắt có thể gây thiếu máu, trẻ nhẹ cân và sinh sớm. Do đó, phát hiện thiếu sắt sớm khi mang thai và ở trẻ nhỏ là rất quan trọng. Ở người trưởng thành, thiếu sắt gây ra mệt mỏi, suy giảm thể lực và giảm năng suất làm việc, cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội.

Bên cạnh tình trạng thiếu sắt, chúng ta cũng cần quan tâm tới hiện tượng “thừa sắt”. Quá tải sắt (tích lũy sắt trong cơ thể) là kết quả của các rối loạn như bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh thalassemia, truyền máu nhiều lần hoặc các tình trạng khác ảnh hưởng đến sự hấp thụ hoặc điều hòa sắt như bệnh gan, tim, bệnh nội tiết.

Vai trò của ferritin

WHO mới đây đã đưa ra hướng dẫn cụ thể giúp các chuyên gia y tế đánh giá tình trạng thiếu sắt hay quá tải sắt thông qua nồng độ ferritin huyết thanh.

Ferritin là một loại protein có thể được tìm thấy với một lượng nhỏ trong máu người, có vai trò là nguồn dự trữ sắt trong cơ thể. Nồng độ ferritin trong huyết tương cho phép đánh giá được tình trạng sắt trong cơ thể. Sử dụng nồng độ ferritin để đánh giá tình trạng sắt giúp xác định thiếu sắt và nguy cơ quá tải sắt, kết hợp với các dáu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân của bệnh.

WHO hướng dẫn chẩn đoán thiếu sắt và quá tải sắt dựa theo nồng độ ferritin huyết thanh

Giá trị ngưỡng để xác định thiếu sắt và nguy cơ quá tải sắt ở người bình thường và người bệnh theo tuổi thể hiện ở bảng sau:

Nồng độ ferritin huyết thanh (µg/L)

Thiếu sắt

Quá tải sắt

Người bình thường

Người có tình trạng viêm nhiễm

Người bình thường

Người có bệnh

Sơ sinh (0-23 tháng)

<12

<30

-

-

Trẻ mầm non (24-59 tháng)

<12

<30

-

-

Trẻ trong độ tuổi đến trường (5-12 tuổi)

<15

<70

>150 (với nữ)

>200 (với nam)

>500

Thanh thiếu niên (13-19 tuổi)

<15

<70

>150 (với nữ)

>200 (với nam)

>500

Người trưởng thành (20-59 tuổi)

<15

<70

>150 (với nữ)

>200 (với nam)

>500

Người già (từ 60 tuổi trở lên)

<15

<70

>150 (với nữ)

>200 (với nam)

>500

Phụ nữ có thai

<15 (3 tháng đầu)

-

-

-

Một người bình thường khỏe mạnh được định nghĩa là người có sức khỏe thể chất phù hợp với tuổi và tình trạng sinh lý của họ, không phát hiện bệnh hoặc tật. Ở những người bị bệnh như viêm nhiễm, béo phì hay uống rượu… thì nồng độ ferritin cũng tăng cao.

Chính vì vậy, việc xác định tình trạng sắt trong cơ thể thông qua nồng độ ferritin trong huyết tương là rất quan trọng để chẩn đoán và sàng lọc trong lâm sàng và lựa chọn các biện pháp can thiệp y tế cộng đồng phù hợp.


ThS.BS. Hồ Mỹ Dung
Ý kiến của bạn