Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trường cao đẳng Y Dược Albert Einstein, Đại học Yeshiva, Mỹ đăng tải trên tạp chí Tự kỷ và Khuyết tật cho thấy đo phản ứng não với âm thanh, hình ảnh có thể chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
TS. Sophie Molhol, Khoa Thần kinh học, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Một trong những thách thức điều trị bệnh tự kỷ là không biết dựa trên phương pháp nào để phân loại bệnh nhân vào các phân nhóm của bệnh”. Do đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với 43 trẻ em ASD tuổi từ 6 - 17 bằng phương pháp sóng điện não đồ (EEG) để ghi lại mức độ tự kỷ của các bệnh nhân. Các đối tượng tham gia bài kiểm tra đơn giản về thính giác, thị giác và được hướng dẫn ấn các nút đơn giản sau khi nghe giai điệu, nhìn thấy hình ảnh. Ghi EEG liên tục được thực hiện thông qua 70 điện cực da đầu để xác định mức độ bộ não trẻ xử lý như thế nào. Tốc độ xử lý tín hiệu âm thanh, hình ảnh liên quan chặt chẽ đến mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh tự kỷ. Trẻ mắc ASD càng cần nhiều thời gian để xử lý tín hiệu thì triệu chứng tự kỷ của người đó càng nghiêm trọng. Theo TS. Molholm: “Chẩn đoán phát hiện tự kỷ sớm giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp ngay từ giai đoạn đầu phát triển của bệnh, tăng hiệu quả của việc điều trị”.
Q.C (Theo RO, 9/2014)