Hà Nội

Chăn dắt ăn xin: Cuộc bóc lột siêu lợi nhuận

13-08-2019 11:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc trẻ em bị lợi dụng, bị chăn dắt để xin tiền là chuyện dễ gặp tại các đô thị lớn ở nước ta.

Họ biến các đối tượng trẻ em, người già, người tàn tật thành “phương tiện” kiếm tiền dựa vào lòng thương hại của cộng đồng. Chăn dắt ăn xin đã thành một nghề siêu lợi nhuận.

Muôn hình các cảnh diễn

Ngày ngày ra đường, chúng ta bắt gặp không ít cảnh người ăn xin với vẻ ngoài thương tâm: rách rưới, khổ sở, đói lả, ốm đau... Nhìn những cảnh đó, ai cũng muốn góp một chút tấm lòng của mình cho người sa cơ lỡ vận bớt khổ. Nhưng họ đâu biết rằng, hình ảnh thương tâm mà họ nhìn thấy chỉ là cảnh diễn, tạo ra hoàn cảnh như vậy để kiếm tiền từ tình thương của thiên hạ, đồng tiền mà họ vừa cho sẽ rơi vào túi những người chuyên chăn dắt ăn xin và sống trên mồ hôi công sức của người khác.

Tại ngã ba đường giáp quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai, thời gian qua xuất hiện một cậu bé chừng 8 tuổi ngồi trên xe lăn ăn xin. Cậu bé ấy bị bại liệt từ nhỏ, đang sống cùng người đàn ông lớn tuổi trong căn nhà trọ ở quận Hoàng Mai. Hàng ngày, cậu được người đàn ông đẩy xe đưa đi ăn xin. “Muốn xin được nhiều thì phải làm cho người ta thương. Muốn người ta thương thì phải mếu máo, khóc lóc, kể lể mà xin. Người ta không cho thì cứ nằm ra đường mà lăn, xin được càng nhiều càng tốt” - buổi sáng nào cậu bé cũng được dặn dò như vậy. Ngày nào cũng vậy bất kể nắng hay mưa, cứ 7h sáng, cậu bé được đẩy xe lăn đưa ra đường hành nghề. Khi em đã yên vị trên vỉa hè, người đàn ông đẩy xe để em ngồi đó và thong dong đi uống trà ở gần đó. Thấy khoảng chục người bỏ tiền vào giỏ, hắn liền ra lấy hết tiền bỏ vào túi của mình. Tính ra mỗi ngày số tiền thu được lên đến cả triệu đồng.

Người ăn xin trên đường phố đa phần là hoàn cảnh giả tạo, nhưng lại gây nhếch nhác cho bộ mặt đô thị.

Người ăn xin trên đường phố đa phần là hoàn cảnh giả tạo, nhưng lại gây nhếch nhác cho bộ mặt đô thị.

Người ăn xin trên đường phố đa phần là hoàn cảnh giả tạo, nhưng lại gây nhếch nhác cho bộ mặt đô thị.

Hàng ngày, cậu bé được người đàn ông đẩy đến hết ngã tư này đến ngã tư nọ để ăn xin. Khi cậu buồn ngủ thì bị người đàn ông kia ra tát vào mặt, không cho ngủ và còn mắng: “Dậy, dậy ngay, ai cho mày ngủ, muốn chết đói luôn à?”. Mặc cho đói khát và mệt lả, có hôm 23 giờ đêm, cậu bé mới được đẩy xe đưa về “ổ” ăn uống, nghỉ ngơi.

Ngày cuối tháng vừa rồi, có 5 người ăn xin cùng lúc hành nghề ở khu vực Ngã Tư Sở. Ở cột đèn tín hiệu theo hướng đi Tây Sơn và đường Láng, 2 nam thanh niên kê túi nylon ngồi bệt. Họ mang bề ngoài của những người khuyết tật cả vận động và trí tuệ, cánh tay khoằm lại trước ngực, nụ cười ngờ nghệch. Một người thậm chí không điều khiển được cơ cổ, liên tục gục xuống rồi nâng lên hướng ánh mắt van xin về phía dòng người. Nhiều người qua đường chủ động tiến lại và đặt tiền vào chiếc mũ ngửa. Đối diện, người phụ nữ lớn tuổi len lỏi giữa dòng người chờ đèn đỏ. Mũ chìa ra, người ngồi xe xua tay lắc đầu, bà chuyển ngay sang người khác, không nài nỉ. Mỗi lần dừng đèn đỏ 76 giây, trong khoảng 20 người được hỏi, trung bình 3-4 người sẽ cho tiền. Những lúc đèn xanh, bà bỏ tiền trong mũ ra đếm rồi đổ hết vào một túi nylon treo trên cành cây. Quá trưa, 2 người thanh niên hội ngộ ở gầm cầu ăn cơm hộp. Một người vươn vai, bước chân nhanh nhẹn, tay đã hết khoèo, lên quán nước uống một chai bia, hút 2 điếu thuốc lào rồi sang đường, ngồi vào vị trí ban sáng. 2 giờ chiều, 2 người đàn ông lớn tuổi khác xuất hiện, một người mặc quần áo nâu sồng, một người khoác áo xanh công nhân đã bạc, cùng đội mũ tai bèo che gần hết mặt. Họ cũng cầm chiếc mũ ngửa đi lại giữa dòng người. 5 rưỡi chiều, cả 5 người đồng loạt tan ca. 5 người tụm lại dưới gầm cầu vượt, cùng bỏ tiền ra đếm, rôm rả cười đùa. 2 thanh niên rũ bỏ vai khuyết tật. Họ châm thuốc hút, đùa nhau chạy quanh gầm cầu. Họ lên xe ôm ngược về hướng Hà Đông hòa vào dòng người với vẻ phấn khởi vừa trải qua một ngày “kiếm được”.

Tại TP.HCM, tình trạng giả tu hành, giả tàn tật, giả bị hoạn nạn... để lợi dụng lòng tốt của mọi người nhằm mục đích xin tiền nhiều nhan nhản, gần đây rộ nhất là kiểu đánh vào lòng trắc ẩn dẫn theo trẻ em đóng kịch bị bệnh cùng các đạo cụ khá bài bản để xin tiền nơi công cộng.

Một buổi sáng tại quán cà  phê ăn sáng trên địa bàn quận 10, TP.HCM, xuất hiện phụ nữ khoảng 40 tuổi dắt theo bé trai khoảng 3 tuổi. Người phụ nữ trình bày hoàn cảnh rất đáng thương, nhà ở Mũi Né, Phan Thiết đưa con vào TP.HCM chữa bệnh; khi bác sĩ cho toa thuốc, tiền hết, không mua được thuốc, hai mẹ con kẹt ở Sài Gòn vì không tiền đi xe đò về Mũi Né. Người phụ nữ xin tiền để mua vé xe đã trưng ra “đạo cụ” khá chu đáo là cuốn sổ khám bệnh, có toa thuốc, có cả chữ ký của bác sĩ. Một người đàn ông cầm cuốn sổ xem soi khá kỹ, rồi hỏi người phụ nữ: “Sao chữ ký của bác sĩ cùng tên nhưng hai chữ ký lại khác nhau?”. Anh tỏ vẻ nghi ngờ vì đã chạm trán khá nhiều trường hợp xin tiền kiểu giả vai diễn như thật. Người phụ nữ lý giải cuốn sổ do bác sĩ ghi, chị ta nhà quê không biết. Anh thắc mắc, tại sao bé chỉ bị viêm họng, một bệnh bình thường vậy mà phải đưa vào TP.HCM khám, trong khi ngoài Phan Thiết bệnh viện cũng tốt? Người phụ nữ như đã chuẩn bị sẵn đối phó ngay, rằng chữa hoài không hết nên vào Sài Gòn. Nghe người phụ nữ trình bày dài dòng thì cũng có không ít người chặc lưỡi thôi thì giúp họ chút vậy. Thế là sơ sơ buổi sáng, chị này cũng kiếm được 500-700.000 đồng. Vẫn với vở diễn như vậy, người này đi xin tại nhiều địa điểm khác nhau quanh thành phố.

Cần có giải pháp mạnh tay

Qua trao đổi với người bị chăn dắt ăn xin được biết, có những người bằng cách này cách khác, bị ép buộc, thậm chí tự nguyện làm hợp đồng cho các đối tượng chăn dắt ăn xin và hoàn toàn phụ thuộc vào sự sai khiến của đối tượng đó. Có một phương thức làm ăn quy mô: “nhà thầu” ở các thành phố lớn về những làng quê nghèo, tuyển dụng những đứa trẻ lên thành phố làm nghề ăn xin. Nhiều gia đình ký vào các tờ “hợp đồng” viết tay trong đó thỏa thuận việc đứa trẻ sẽ đi theo một cô chú nào đó lên thành phố “làm ăn”. Chúng trở thành ăn xin chuyên nghiệp, được giao khoán định mức và có thể được đối đãi tốt nếu hoàn thành nhiệm vụ, hoặc bị đánh đập, bỏ đói nếu không đạt định mức.

Thu nhập hàng ngày của những người ăn xin ở các thành phố lớn dao động từ 500.000 - 2 triệu đồng một ngày. Một con số quá lớn đối với nhiều người. Song, thật đau lòng, nhiều người trong số đó nhận lại được rất ít tiền sau những ngày dầm mưa, dãi nắng. Bởi số tiền ấy đã chảy vào túi của kẻ khác. Một người phụ nữ bế đứa con nhỏ thỉnh thoảng xuất hiện tại các chợ ở Hà Nội cho biết, mỗi ngày chị đi xin được khoảng 1 triệu đồng, phải nộp hết cho chủ. Mỗi tháng chủ trả cho chị 3 triệu đồng, con chị được trả 1 triệu đồng. Chủ cho 1 manh chiếu ngủ và 1 cái hòm để đồ. Hôm nào cũng phải đi. Nếu tháng nào mà mệt, nghỉ trên 5 ngày sẽ bị trừ mỗi người 1 triệu đồng. Nên nhiều khi mệt, ốm cũng phải cố mà đi xin.

Một người lâm vào hoàn cảnh khốn cùng phải đi ăn xin thì không có gì là xấu, cũng không gây hại cho xã hội. Nhưng nếu việc ăn xin lại có sự bảo kê, chăn dắt, bóc lột sức lao động người tàn tật, người già yếu, trẻ em thì đó là tội ác. Bởi có cả đường dây chăn dắt ăn xin thì ai dám cho họ tiền nữa không khi mà những đồng tiền họ kiếm được lại là khoản lợi nhuận khổng lồ cho kẻ khác. Những kẻ chăn dắt ăn xin đã bóc lột sức lao động, mồ hôi nước mắt của người khác một cách không thương tiếc. Hơn nữa, hình ảnh những người ăn xin, vì định mức số tiền mà chủ đưa ra phải kiếm được trong một ngày, khiến họ bằng mọi cách đeo bám người khác cho tiền, kể cả khách du lịch, là hình ảnh xấu và nhếch nhác của bộ mặt đô thị.

Để giải quyết vấn đề người ăn xin, vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội đã đề nghị Công an thành phố Hà Nội vào cuộc, xử lý nghiêm. Công văn của Sở nêu rõ: Để bảo vệ quyền lợi trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và thực hiện hiệu quả công tác tập trung người lang thang trên địa bàn, Sở LĐTBXH Hà Nội đề nghị Công an TP. Hà Nội: Chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng người khuyết tật, trẻ em vào mục đích trục lợi, hay các nhóm người khuyết tật, trẻ em bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo người đi đường, có tính chất tổ chức chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội của thành phố. Chỉ đạo công an xã, phường phối hợp với các đội trật tự xã hội lưu động thuộc các Trung tâm bảo trợ xã hội I, II, IV để kiểm tra, tập trung và xử lý các trường hợp lang thang, xin tiền theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo Sở LĐTBXH Hà Nội, sau 2 năm thực hiện Quyết định 6053 của UBND thành phố, các Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTBXH đã tiếp nhận và tập trung được trên 1.300 lượt đối tượng người lang thang từ các xã phường, thị trấn và các ban quản lý di tích, danh thắng. Tuy vậy, trên địa bàn Hà Nội tình trạng người ăn xin và đối tượng chăn dắt ăn xin vẫn còn nhiều.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quảng - Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội I cho biết, việc thu gom, quản lý người ăn xin cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cần công khai số điện thoại tiếp nhận thông tin người ăn xin, người lang thang... tại các địa điểm công cộng, nhất là những nơi có khả năng tập trung người ăn xin. Quan trọng nhất, cần nhanh chóng xử lý nghiêm những kẻ bảo kê, chăn dắt, lạm dụng người ăn xin theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc thường xuyên di chuyển, thay đổi địa bàn của nhóm người này là trở ngại lớn nhất cho công tác phát hiện, điều tra. Các đường dây không có địa bàn, tần suất và địa điểm hoạt động cố định, họ thường ở những điểm giáp ranh các quận huyện, tỉnh thành để tránh sự phát hiện.

Đã có không ít ý kiến cho rằng, cần phải xử lý hình sự đối tượng chăn dắt ăn xin. Hiện nay, Bộ luật Hình sự chưa có quy định nào về xử lý hình sự đối với hành vi chăn dắt ăn xin, mà hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính theo các quy định quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Khoản 3, Điều 27 của Nghị định này quy định - người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Hình thức xử phạt như trên là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe những đối tượng chăn dắt ăn xin. Bởi, số tiền bị phạt và lợi nhuận thu được từ hành vi này có sự chênh lệch quá lớn. Có thể nói đó là cuộc bóc lột siêu lợi nhuận. Thiết nghĩ, đã đến lúc đưa những đối tượng chăn dắt ăn xin vào diện phải xử lý hình sự, để có thể giải quyết triệt để vấn nạn trên.


NGỌC MINH CHÂU
Ý kiến của bạn