Cách đây vài năm, hình ảnh em liên tục bóp bóng trong vô vọng cứu một bệnh nhân bị tai nạn giao thông đã qua đời ở một ca trực cấp cứu đã để lại trong tôi những hình ảnh rất đẹp. Sáng thứ hai định mệnh ấy, chỉ những người trong nghề mới hiểu rằng bệnh nhân chạy thận đã dồn ứ kinh khủng trong 2 ngày cuối tuần, số lượng bệnh nhân xếp hàng khát khao chạy thận vì họ hiểu rằng họ đang đương đầu với những biến chứng phù phổi, phù thận, rối loạn kali máu... Chỉ những người trong nghề mới hiểu rằng các khoa Tiết niệu đã quá tải như thế nào, các máy chạy thận ở bệnh viện nghỉ sớm nhất cũng sau 10 giờ đêm. Đơn giản chúng ta có thể hiểu rằng, bệnh nhân nhận thức rõ: “Chạy thận ngay lập tức hay là chết?”.
BS. Hoàng Công Lương tại phiên tòa sơ thẩm.
Hơn nữa, trong thực tế, không một chương trình đào tạo y khoa nào trên thế giới dạy bác sĩ kiểm tra hóa chất tồn dư trong các cột lọc máu. Hoạt động súc rửa bảo trì máy chạy thận không thuộc quyền hạn của bác sĩ, các phòng vật tư và hãng máy tiến hành bảo trì, bảo dưỡng, dán tem đảm bảo chất lượng. Là người phụ trách chuyên môn Đơn nguyên thận nhân tạo BVĐK Hòa Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương đã trực tiếp ký giấy đề xuất sửa chữa bảo dưỡng định kỳ hệ thống nước lọc RO2 và RO mini để phục vụ tốt cho việc chạy thận nhân tạo. Trong ngày 28 tháng 5 năm 2017, hệ thống RO được sửa và thông báo qua điện thoại là xong hoàn chỉnh, nhưng chưa có biên bản bàn giao (tức là chỉ thiếu cái biên bản là đủ đầy về thủ tục hành chính). Sáng 29 tháng 5, sau khi xem các điều dưỡng viên kiểm tra thấy máy chạy tốt. Và nghiệt ngã thay, ngày định mệnh ấy trước ánh mắt rệu rã của những bệnh nhân đang chờ đợi được chạy thận, với tư cách là bác sĩ, em đã ra y lệnh “chạy thận cứu bệnh nhân”. Trong tình huống bệnh nhân mệt mỏi như vậy, em cho cứu người hay là cứ chần chừ đợi các thủ tục hành chính của ca trực trước cho ca trực sau? Nếu em đợi bên công ty bảo dưỡng đến làm thủ tục ký biên bản bàn giao (mà trong điện thoại họ đã báo là hoàn chỉnh việc bảo dưỡng) thì người bệnh có thể sẽ suy nhược và nguy cấp hơn, bệnh nhân hoàn toàn cũng có thể tử vong như đã xảy ra… Nhưng có một điều chắc chắn là Lương sẽ không bị bắt. Trong tình huống ấy, Lương nào có biết trong nước còn tồn dư hóa chất? Làm sao em có thể biết về kỹ thuật kiểm tra lại hệ thống máy móc? Bởi đó đâu phải chuyên ngành mà em đã được đào tạo. Và em cũng không thể phải chịu trách nhiệm về công việc mà em không làm và không biết. Bản thân Lương trong lúc ấy, em chỉ hoàn toàn nghe theo mệnh lệnh trái tim của người thầy thuốc mà thôi. Điều không may đã đến như một đại hoạ cho lịch sử y tế nước nhà, mấy mạng người đã rời bỏ nhân gian trong sự bất lực của em, của ngành y...
Em đang mệt mỏi chờ đợi sự phán quyết của tòa. Em đang mong điều đó đến thật nhanh bởi em tin tưởng vào sự công bằng của luật pháp. Trong lúc đó, em vẫn đang miệt mài cứu chữa cho bệnh nhân. Bên cạnh em đang có rất nhiều người, từ đồng nghiệp tới chính những người thân của các nạn nhân không may từ vụ việc đó đều đang lên tiếng để bảo vệ em - người bác sĩ còn trẻ tuổi mà đã gây dựng được sự tin yêu của nhiều người bệnh. Anh mong em chân cứng đá mềm em nhé, chàng trai hơn 30 tuổi đời. Vững tin vào khoa học, vào chân lý Lương nhé!