Trước tình hình cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp và khó lường, để ngăn chặn dịch cúm này vào Việt Nam, ngày 9/4, đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi kiểm tra và triển khai công tác phòng chống dịch tại TP.HCM.
Chốt chặn tại cửa khẩu sân bay
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay đã phát hiện 24 ca bệnh dương tính với cúm A/H7N9 tại Trung Quốc và 7 trường hợp tử vong. Dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang diễn biến trên diện rộng, trong khi đó, hệ thống cảng biển, cảng hàng không và đường biên giới trên đất liền của nước ta với Trung Quốc là rất lớn (dài khoảng 1.406km với 5 cửa khẩu lớn) nên tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.
BS. Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM cho biết, hiện mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón nhận khoảng 10.000 - 15.000 hành khách quốc tế trên 100 chuyến bay nhập cảnh. Trong 1 tuần qua, đã tiếp nhận 64.000 lượt hành khách, trong đó có 6.000 lượt người đến từ vùng dịch (Trung Quốc) nhưng chưa phát hiện trường hợp nào sốt hoặc có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Hiện, công tác chuẩn bị phòng chống cúm A/H7N9 đã được trung tâm sẵn sàng như: bố trí 15 nhân viên kiểm dịch làm việc 3 ca/ngày, 2 xe cứu thương chuyên dụng túc trực, thiết lập hệ thống cấp cứu 115... Sân bay đã được trang bị 3 máy giám sát thân nhiệt hồng ngoại, 50 máy đo nhiệt độ, 2.000 quần áo chống dịch... Tất cả hành khách nhập cảnh, đặc biệt là hành khách từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ đã được WHO xác nhận có người mắc cúm A/H7N9, đều được giám sát chặt chẽ thân nhiệt để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện cúm, viêm phổi... Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã được thành lập.
Bộ trưởng cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM. |
Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa cúm A /H7N9 Ngày 10/4, Bộ Y tế đã có quyết định số 1176/QÐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A /H7N9 ở người. Theo đó, quy định chi tiết về việc chẩn đoán ca bệnh (ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định, chẩn đoán phân biệt); điều trị (nguyên tắc điều trị, điều trị cụ thể), phòng lây nhiễm vi rút (phòng ngừa cho người bệnh, nhân viên y tế, xử lý môi trường…) và được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước và tư nhân. Thông tin chi tiết về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A /H7N9 ở người được đăng tải trên website: suckhoedoisong.vn |
Trước mắt, nếu có ca bệnh thì Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi sẽ nhận bệnh nhân để chữa trị. BS. Chiến cho biết, sẽ báo động thử 1 ca bệnh cấp cứu, rút kinh nghiệm nếu dịch xảy ra. Tất cả các mẫu bệnh nếu có sẽ được chuyển về Viện Pasteur Nha Trang. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố phải trực 24/24 giờ để lấy mẫu bệnh phẩm nếu có, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu và phòng tránh bệnh. Lực lượng cấp cứu phải ứng trực sẵn sàng.
Cơ sở y tế đặt trong tình trạng “mở”
BS. Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế đã có công văn yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng chuẩn bị thuốc, điều tra dịch tễ tại các sân bay, củng cố các đội cơ động chống dịch, điều tra và xử lý ổ dịch, tăng cường điều tra, phát hiện và truyền thông. Các bệnh viện như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, BV 115, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Nguyễn Trãi, BV Cấp cứu Trưng Vương... chuẩn bị sẵn sàng trường hợp có dịch cúm xảy ra. Riêng BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm đầu mối trong công tác thu dung, điều trị, quản lý phân phối điều trị cúm cũng như tập huấn chuyên môn phòng chống cúm cho các đơn vị cơ sở.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo, các đơn vị dù chưa phát hiện ca bệnh nào nhưng ngành y tế, các cơ sở y tế vẫn phải luôn trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Bộ trưởng cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng, chống cúm A/H7N9 của TP.HCM và cho rằng, dù đối mặt với nguy cơ dịch cúm lây lan nhưng người dân đừng quá hoang mang. “Việc phòng chống cúm A/H7N9, ngoài ngành y tế, cần sự phối hợp của các sở, ngành khác là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Công an (đặc biệt là Cảnh sát môi trường) và cả Bộ Quốc phòng trong việc triển khai bộ đội biên phòng giám sát, kiểm dịch biên giới đường bộ để làm sao đạt được mục tiêu lớn nhất là không để dịch cúm A/H7N9 xuất hiện và lây lan tại Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A/H7N9
Liên quan đến công tác phòng chống cúm A/H7N9, tại cuộc họp Hội đồng xây dựng hướng dẫn chẩn đoán điều trị và phòng lây bệnh cúm A/H7N9 do Bộ Y tế tổ chức ngày 9/4, các chuyên gia đều nhận định, virut cúm A/H7N9 là một chủng mới, có nguồn gốc gen từ virut cúm gia cầm và một số loài chim có khả năng lây nhiễm cho người, dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Đường lây truyền của virut cúm A/H7N9 hiện tại chưa được hiểu rõ và chưa có bằng chứng về sự lây truyền virut từ người sang người.
PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho rằng, đặc tính của virut cúm A là thường xuyên biến đổi, có thể thành chủng mới, dễ dàng lây truyền sang người. Do đó, việc phát hiện sớm và cách ly kịp thời là điều quan trọng nhất. Theo các chuyên gia, cách phòng tránh tốt nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với những trường hợp bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Những người có biểu hiện sốt, ho, khó thở mà không rõ nguyên nhân thì nên đến viện sớm để được chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW cho biết, BV sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nếu dịch cúm A/H7N9 xảy ra. Để chủ động phòng chống cúm A/H7N9, bệnh viện đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch phòng chống dịch nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ; phối hợp với hệ thống giám sát dịch tễ xác định ca bệnh đầu tiên để tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; chẩn đoán, điều trị kịp thời, tích cực, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; duy trì hoạt động của bệnh viện trong trường hợp đại dịch bùng phát.
Dự kiến trong tuần này, thứ sáu ngày 12/4, Bộ Y tế sẽ tập huấn cho 300 bác sĩ điều trị và 300 bác sĩ, cán bộ làm công tác dự phòng thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và sở y tế các tỉnh khu vực phía Bắc cách chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 đồng thời hướng dẫn giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm cúm A/H7N9.
Bài và ảnh: Tuân Nguyễn - Thảo Nguyên