Chấn chỉnh việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai

05-06-2019 19:00 | Tin nóng y tế
google news

SKDS- Bộ Y tế đã ban hành Công văn 3105/BYT-BM-TE chấn chỉnh việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai.

Theo Công văn này, ngày 26/6/2017 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành công văn số 3614/BYT-BM-TE chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an và bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành chỉ đạo các đơn vị có triển khai phẫu thuật lấy thai (kể cả các bệnh viện ngoài công lập) KHÔNG sử dụng phương pháp gây tê tủy sống  ở các sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như bệnh cảnh tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Cụ thể các trường hợp sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật.

Nhiều trường hợp không được gây tê tủy sống trong mổ lấy thai.

Qua theo dõi và báo cáo của các tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2019, tại các địa phương vẫn xảy ra khá nhiều trường hợp tai biến sản khoa, tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh có liên quan đến tai biến sau phẫu thuật mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống.

Nhằm phòng tránh, giảm thiểu các tai biến như đã đề cập, góp phần giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an; các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành và bệnh viện ngoài công lập có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình nghiêm túc thực hiện công văn số 3614/BYT-BM-TE ngày 26/6/2017 về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai; Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 11/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ sơ sinh; hướng dẫn Quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại công văn số 3614/BYT-BM-TE ngày 26/6/2017. Đồng thời, rà soát bổ sung, cập nhật các quy trình khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở, nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, giảm thiểu tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.

Theo các nhà chuyên môn, gây tê trong sản khoa có nhiều ưu thế. Người mẹ có được tinh thần tỉnh táo, có thể chứng kiến toàn bộ cuộc mổ và giây phút chào đón con ra đời, khả năng phục hồi nhanh...

Nhưng lại có thể xảy ra tai biến nghiêm trọng đối với cả sản phụ, thai nhi như ở những sản phụ có bệnh lý thiếu máu, rối loạn đông máu, có dùng thuốc làm rối loạn đông máu, tiền sản giật nặng, sản giật, nhau bong non. Những trường hợp này đều đã được đưa vào chống chỉ định gây tê vùng trong mổ đẻ với chuyên ngành gây mê hồi sức.

Trong khi đó, gây mê toàn thân sẽ khiến sản phụ ngủ trong cả quá trình mổ và thai nhi cũng có nguy cơ ngủ do thuốc mê đi vào máu mẹ qua nhau thai đến con. Điều này sẽ không có lợi cho đứa trẻ. Do đó, đối với gây mê toàn thân cho sản phụ cần rất thận trọng.

Các bác sĩ gây mê hồi sức sẽ phải tính toán liều lượng cho phù hợp để không đau cho người mẹ trong khoảng thời gian kỹ thuật viên lấy con (khoảng 2-3 phút) mà bảo đảm sức khỏe cho cả người mẹ và thai nhi.

Nguyễn Mi
Ý kiến của bạn