Chiều ngày 15/2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế đã có công văn số 158/NV-KCB gửi Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Y tế ngành về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, thực hiện quy định về các biện pháp cách ly y tế và chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 32 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm); Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút Corona mới ban hành kèm theo Quyết định số 322/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng dẫn xác định trường hợp bệnh nghi ngờ (Suspected Case); Trường hợp bệnh có thể (Probable Case); Trường hợp bệnh xác định (Confirmed Case).
Công văn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Đồng thời, để quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh trên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế, Y tế ngành nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh theo 3 nhóm trường hợp bệnh trên (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định);
Thu dung cách ly và quản lý chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế được phân công theo đúng quy định của các địa phương trên cơ sở hướng dẫn tại công văn số 519/BYT-KCB ngày 06/02/2020 về việc hướng dẫn tổ chức tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do COVID-19 của Bộ Y tế. Nghiêm túc quản lý tất cả các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, có thể, xác định).
Cơ sở Y tế cần phải kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh. “Tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu tại công văn này.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu các cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án, chăm sóc, điều trị toàn diện cho các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, có thể, xác định), đặc biệt theo dõi sát diễn biến bệnh lý của người bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế
Tuyệt đối quản lý chặt chẽ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh, không để mất, phát tán và cho người không thuộc trách nhiệm tiếp cận với mẫu bệnh phẩm của các nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, có thể, xác định) COVID-19 và xử lý mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định
Trong trường hợp chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bố trí phương tiện, nhân viên y tế hoặc xin hỗ trợ cấp cứu của bệnh viện tuyến trên bảo đảm an ninh, an toàn cho người bệnh; thực hiện theo đúng quy định về bàn giao người bệnh cho bệnh viện nhận chuyển tuyến.
Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày.
Việt Nam đã áp dụng cách ly y tế 14 ngày nghiêm ngặt để phòng bệnh COVID-19.
Tất cả những người đi từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc dù chưa có biểu hiện nhiễm bệnh đều được coi là bệnh nhân, những người này cùng với người nhà của họ đều phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung. Người đi từ 31/31 vùng của Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) phải cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú, đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, không cho ra khỏi nhà và nơi lưu trú để tránh lây lan ra cộng đồng.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung và Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú hướng dẫn chi tiết về đối tượng cách ly, thời gian cách ly, việc thực hiện cách ly.