Chấn chỉnh vay tiêu dùng

18-05-2018 10:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Để ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm quy định về cho vay tiêu dùng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng.

Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc rà soát các quy định nội bộ, thực hiện nghiêm quy định về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, quản lý tiền vay. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng, đặc biệt là các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay, phương pháp tính lãi và phí, minh bạch lãi suất cấp tín dụng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải minh bạch hóa hoạt động cho vay như niêm yết hợp đồng theo mẫu, cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh, lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí trước khi xác lập thỏa thuận cho vay. Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, NHNN chỉ đạo phải ban hành đầy đủ quy định về lãi suất cho vay tiêu dùng mức cao nhất và thấp nhất cho từng sản phẩm, áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ.

Trước đó, một số tổ chức tín dụng liên tục bị cáo buộc vì nhân viên có hành vi quấy rối, khủng bố khách hàng vay qua điện thoại khi đòi nợ cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống. Đây là điều gây không ít bức xúc trong dư luận bởi NHNN đã quy định rõ công ty tài chính khi áp dụng biện pháp thu hồi nợ phải tuân thủ quy định pháp luật nhưng nhiều trường hợp bị quấy rối, gây sức ép, dù không liên quan gì đến khoản vay.

Không chỉ yêu cầu số điện thoại tham chiếu, hiện nay, một số công ty tài chính còn yêu cầu người vay phải cung cấp địa chỉ facebook của tối thiểu 3 người trong danh sách bạn bè khi ký hợp đồng tín dụng. Từ facebook này, các nhân viên của công ty tài chính sẽ kết bạn với nhiều bạn bè khác trong danh sách của người vay nợ. Tới thời điểm trả nợ, nếu người vay nợ không trả nợ đúng hẹn, có thể sẽ bị nhân viên công ty tài chính đưa lên facebook.

Phân tích nguyên nhân của những hành vi đòi nợ phản cảm của các công ty tài chính, các chuyên gia cho rằng, ngoài thủ tục cho vay lỏng lẻo thì còn có nguyên nhân do các quy định pháp lý hiện không đảm bảo quyền lợi của chủ nợ dẫn đến các công ty tài chính thường đứng trước áp lực khách hàng trốn nợ. Nếu có đi kiện cũng phải mất vài năm mà chưa chắc đã đòi được nợ, vì vậy, họ buộc phải dùng các biện pháp gây sức ép lên khách hàng.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng có những cảnh báo chung đến người tiêu dùng khi vay tiền từ công ty tài chính. Cụ thể, theo phản ánh mà nơi này nhận được, có trường hợp nhân viên tư vấn thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thậm chí, còn có hiện tượng nhân viên tư vấn mạo danh tên của ngân hàng để giới thiệu dịch vụ cho vay.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra hoạt động cho vay của các công ty tài chính nhằm chấn chỉnh các hoạt động cho vay tràn lan như hiện nay. Tránh khi cho vay với các thủ tục lỏng lẻo để dẫn đến nợ khó đòi lại tiến hành đòi nợ kiểu khủng bố là không chấp nhận được.


Vũ Hồng Hải
Ý kiến của bạn