Chấn chỉnh tình trạng các văn phòng công chứng thành lập ồ ạt

13-07-2019 20:18 | Thời sự

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, cần tăng cường quản lý nhà nước về công chứng, trong đó có công tác kiểm tra đối với hoạt động này để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các Văn phòng Công chứng thành lập ồ ạt, phát sinh các vấn đề phức tạp, trong khi đó một số quy định về quản lý công chứng còn chưa đồng bộ.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Tư pháp, trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan đến Luật Quy hoạch, thì vấn đề quy hoạch công chứng là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, các đơn vị phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các văn phòng công chứng thành lập ồ ạt.

Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, công chứng là dịch vụ công của nhà nước, không phải doanh nghiệp đơn thuần. Chúng ta không cấm thành lập nhưng muốn thành lập phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn về điều kiện đồng thời sẽ có các biện pháp để kiểm soát sai phạm trong lĩnh vực công chứng như tăng các hình phạt bổ sung, tăng mức phạt tiền, tước thẻ hành nghề…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu cần phân loại kỹ các hồ sơ và phân định rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan trong vấn đề hộ tịch, quốc tịch có yếu tố nước ngoài; xử lý tốt các thông tin trong cấp phiếu lý lịch tư pháp. Bộ trưởng cũng lưu ý, ngành Thi hành án dân sự cần thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bộ Tư pháp  cho biết, Bộ đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.226 văn bản; phát hiện 70 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và 12 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.  So với cùng kỳ năm 2018, số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành tiếp tục giảm ở hầu hết các cấp, đặc biệt giảm mạnh ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Cụ thể, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 348 VBQPPL (giảm 22,5% so với cùng kỳ 2018); các địa phương ban hành 1.293 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 1,7%), 391 VBQPPL cấp huyện (giảm 57,6%) và 1.758 VBQPPL cấp xã (giảm 69%).

Theo đó, chất lượng công tác thẩm định VBQPPL tiếp tục được chú trọng, nâng cao; Công tác kiểm tra VBQPPL, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 6.454 VBQPPL. Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền; 66/122 văn bản đã được xử lý. Trong đó, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.226 văn bản; phát hiện 70 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và 12 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa QPPL. Đến nay, có 29/82 văn bản đã được xử lý.

Đối với công tác thi hành án dân sự, về việc, đã thi hành xong 336.404 việc, đạt tỷ lệ 60,24%; về tiền, đã thi hành xong gần 23.900 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,01%. Ngoài ra, các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước tiếp tục được Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các địa phương quan tâm giải quyết. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ để trình Chủ tịch nước giải quyết 2.773 hồ sơ quốc tịch; trả lời 597 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của các cơ quan.


HY
Ý kiến của bạn