Lắp camera tại điểm đếm tiền công đức
Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa vừa có hướng dẫn về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử- văn hóa.
Theo đó, việc tiếp nhận tiền công đức tại các di tích lịch sử- văn hóa ở Khánh Hòa phải ghi chép đầy đủ, công khai, minh bạch.
Trường hợp chưa mở tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước cần thực hiện ngay để bảo đảm việc quản lý an toàn.
Các di tích ở Khánh Hòa phải quản lý chặt chẽ các khoản tiền đã tiếp nhận, bao gồm tiền công đức. Đối với tiền mặt tạm thời chưa sử dụng cần gửi vào tài khoản để bảo đảm việc quản lý an toàn, hạn chế thiệt hại do hành vi trộm cắp. Không đặt đĩa, đặt khay nơi thờ tự cho mục đích tiếp nhận tiền công đức, tài trợ và các khoản tiền có tính chất tương tự. Đồng thời, lắp camera giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tiền tài trợ.
Giám sát việc thu chi tiền công đức
Liên quan việc thu, chi tiền công đức tại di tích lịch sử- văn hóa, chiều 12/9, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Khánh Hòa cho biết, đã phổ biến cho các địa phương trong toàn tỉnh Khánh Hòa, nơi nào có tiếp nhận tiền công đức thì phải làm cho đúng, minh bạch.
Hiện nay, hầu hết các di tích lịch sử- văn hóa ở Khánh Hòa không tiếp nhận tiền công đức, riêng di tích Tháp Bà Ponagar có tiếp nhận. Việc thu, chi tiền công đức tại di tích Tháp Bà Ponagar thực hiện theo đúng quy chế của UBND tỉnh Khánh Hòa. Điển hình như chi cho công tác tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar, cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống về di tích…
Cũng theo ông Hoa, vừa rồi đã có đoàn kiểm tra của trung ương và của tỉnh Khánh Hòa kiểm tra vấn đề thu, chi tiền công đức tại di tích Tháp Bà Ponagar và chưa phát hiện bất thường.
"Việc thu, chi tiền công đức ở di tích Tháp Bà Ponagar được giám sát chặt chẽ, có cả thanh tra và cán bộ tài chính của Sở Văn hóa- Thể thao Khánh Hòa tham gia", ông Hoa nói.