Chấn chỉnh hiện tượng ‘bắt vợ’ phản cảm

22-03-2022 07:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc trên cả nước chấn chỉnh hiện tượng ‘cướp vợ’, ‘bắt vợ’ gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Nhạc sĩ Hồng Đăng, những dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạcNhạc sĩ Hồng Đăng, những dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc

SKĐS - Nhạc sĩ Hồng Đăng vừa qua đời nhưng dấu ấn của cha đẻ ca khúc “Hoa sữa” đối với nền âm nhạc nước nhà còn vẹn nguyên theo năm tháng.

Bắt vợ, cướp vợ làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông

Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, thời gian qua, việc thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương quan tâm, tổ chức đồng bộ và cụ thể hóa thông qua các chương trình hành động.

Nhiều chính sách đã kịp thời được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bám sát với yêu cầu của thực tiễn, hoạt động văn hóa ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm, bảo tồn, phát huy trong thời kỳ mới của đất nước.

Bộ Văn hóa chấn chỉnh hiện tượng phản cảm ‘bắt vợ’, ‘cướp vợ’ - Ảnh 2.

Hình ảnh từ clip một nam sinh "bắt vợ" xảy ra tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang hồi đầu năm 2022 khiến dư luận xôn xao. Chiến sĩ công an đã có mặt kịp thời giải cứu bé gái.

Tuy nhiên, qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ VH-TT&DL nhận thấy vẫn còn những hiện tượng, sự việc phản cảm như "cướp vợ", "bắt vợ" tại một số địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện tượng này không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, gây bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông.

Thực tế cho thấy, những ngày đầu xuân năm mới 2022, liên tiếp một số sự việc "bắt vợ" xảy ra ở các địa phương miền núi phía Bắc làm xôn xao dư luận. Trên mạng xã hội đã lan truyền clip được cho là tục "bắt vợ" xảy ra tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Trong clip này, một nam sinh lớp 10 (16 tuổi) đã có hành động kéo, bắt một cô bé dù người này cự tuyệt nhưng vẫn bị lôi đi với mục đích bắt về nhà làm vợ theo phong tục của dân tộc Mông. Khi nam sinh này đang chật vật để kéo cô gái đi thì một chiến sĩ công an đã có mặt kịp thời giải cứu bé gái.

Bộ Văn hóa chấn chỉnh hiện tượng phản cảm ‘bắt vợ’, ‘cướp vợ’ - Ảnh 3.

Hình ảnh một cô gái trẻ bị nhóm thanh niên kéo lê trên đường, nghi là "bắt vợ" xảy ra ở Sa Pa sau sự việc ở Mèo Vạc không lâu.

Không lâu sau, một đoạn clip ghi lại hình ảnh cô gái trẻ bị nhóm thanh niên kéo lê trên đường, nghi là "bắt vợ" xảy ra ở Sa Pa được lan truyền chóng mặt trên các diễn đàn mạng xã hội.

Trong đoạn clip một nhóm nam thanh niên đứng thành vòng tròn xung quanh, kéo lê một cô gái giữa đường. Người túm chân, người túm tay cô gái để lôi đi mặc cho cô gái gào khóc, giãy giụa phản kháng lại. Thậm chí cô gái còn bám chặt lấy người đi cùng, nhưng do sức lực có hạn nên cô đã nhanh chóng bị nhóm thanh niên tách ra và đưa đi. Xem clip "bắt vợ" ở Sa Pa, nhiều người vừa hoang mang vừa bức xúc.

Để không còn hiện tượng "cướp vợ", "bắt vợ" phản cảm

Liên quan sự việc trên, Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc (Sở VH-TT&DL) trên cả nước để chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống.

Theo đó, Bộ VH-TT&DL yêu cầu các đơn vị trực thuộc tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ VH-TT&DL về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Bộ Văn hóa chấn chỉnh hiện tượng phản cảm ‘bắt vợ’, ‘cướp vợ’ - Ảnh 4.

Bộ Văn hóa đề nghị các đơn vị trên cả nước tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của những phong tục, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc. (Ảnh minh họa).

"Thực hiện các giải pháp đồng bộ chấm dứt những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống trong công tác quản lý văn hoá, các vấn đề hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng tới phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền", văn bản của Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL đề nghị các đơn vị trực thuộc trên cả nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, công tác văn hóa dân tộc nói riêng trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của những phong tục, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Sau 4 tháng kết hôn, Paris Hilton ‘nóng ruột’ với những kế hoạch lớn cho tương laiSau 4 tháng kết hôn, Paris Hilton ‘nóng ruột’ với những kế hoạch lớn cho tương lai

SKĐS - Paris Hilton và chồng cô, Carter Reum kết hôn tháng 11/ 2021 trước sự chứng kiến của những ngôi sao nổi tiếng thế giới và hàng triệu người hâm mộ.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn