Hà Nội

Chấn chỉnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm ở ngoài nhà trường không đúng quy định

21-03-2023 11:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Hai địa phương là TP Hồ Chí Minh và Phú Thọ vừa có văn bản chấn chỉnh các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp không đúng quy định.

Nhiều trường tuyển thẳng học sinh vào lớp 6 bằng chứng chỉ quốc tế, chuyên gia lưu ý gì?Nhiều trường tuyển thẳng học sinh vào lớp 6 bằng chứng chỉ quốc tế, chuyên gia lưu ý gì?

SKĐS - Năm học 2023-2024, không riêng bậc đại học, THPT, nhiều trường cấp THCS cũng cho biết sẽ tuyển thẳng hoặc cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Không cho học sinh tiểu học 'đi ngoại khóa' ngoài thành phố

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có chỉ đạo cụ thể đến các trường về việc tổ chức hoạt động ngoài nhà trường cho học sinh.

Theo đó, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường thực hiện rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp.

Các trường tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức, hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng một thời điểm.

Chấn chỉnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm ở ngoài nhà trường không đúng quy định - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Đối với bậc tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM quy định, hoạt động trải nghiệm được thực hiện thông qua 4 loại hình chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ. Các hoạt động này được tổ chức theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp và tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường.

Trong quá trình tổ chức, nhà trường cần đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia và không tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học ra khỏi TP.HCM.

Đối với học sinh bậc trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường đổi mới nội dung chủ đề phù hợp với xã hội như nghề tương lai trong cách mạng 4.0, giao tiếp mạng xã hội, văn hóa giao thông, văn hóa gia đình; tổ chức cho học sinh trải nghiệm, thực hành các nhóm nghề, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng.

Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, công khai. Do đó, khi tổ chức học tập trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường, các trường phải xây dựng phương án học tập tương đương cho học sinh không tham gia được học tập ở trường hoặc tại nhà.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường không tổ chức những hoạt động phối hợp học tập trải nghiệm và du lịch trong thời gian ngắn, hoạt động học tập được tổ chức chưa đủ và đúng, không đảm bảo được chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản dành cho học sinh trong từng môn học. Không sử dụng nội dung chuẩn kiến thức kỹ năng của khối lớp này triển khai thành hoạt động trải nghiệm chủ yếu của khối lớp khác.

Kinh phí tổ chức phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật

Tại tỉnh Phú Thọ, bên cạnh các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, qua phản ánh vẫn còn một số trường học tổ chức các hoạt động giáo dục ở ngoài trường (trong đó có hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) chưa đúng quy định. Kinh phí tổ chức hoạt động chưa bảo đảm nguyên tắc quản lý tài chính theo đúng quy định, chưa nhận được sự đồng thuận của một bộ phận phụ huynh học sinh và dư luận xã hội...

Để kịp thời chấm dứt tình trạng này, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các trường THPT, trường phổ thông, các trung tâm GDNN-GDTX... tổ chức các hoạt động giáo dục ở ngoài trường học phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường đã xây dựng từ đầu năm học và được Hội đồng trường phê duyệt.

Thời gian, địa điểm, nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cần đạt được của Chương trình giáo dục môn học/hoạt động giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT và phù hợp với điều kiện thực tế của trường và địa phương.

Các hoạt động giáo dục tổ chức ngoài nhà trường phải được trao đổi, bàn bạc và có sự thống nhất với phụ huynh học sinh; kinh phí tổ chức phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch.

Công tác tổ chức các hoạt động giáo dục ở ngoài nhà trường phải có sự phối hợp với phụ huynh học sinh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho người tham gia.

Chuyên gia giáo dục: ‘Ứng dụng ChatGPT sẽ mang lại những trải nghiệm giáo dục tốt hơn’Chuyên gia giáo dục: ‘Ứng dụng ChatGPT sẽ mang lại những trải nghiệm giáo dục tốt hơn’

SKĐS - Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, ChatGPT đã ‘nổ phát súng’ đầu tiên cho cuộc cách mạng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và rất nhiều mô hình trường học truyền thống sẽ bị tác động.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn