Theo công văn do Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ký, thời gian qua, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường. Những vụ việc này gây hoang mang và bức xúc trong xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo sở GD&ĐT phối hợp sở Y tế thực hiện biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của Luật An toàn Thực phẩm, chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm, thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT về công tác y tế trong trường học.
Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ quản lý về an toàn trong trường học, chống ngộ độc thực phẩm.
Lấy máu xét nghiệm cho trẻ. Ảnh minh hoạ.
Các cơ quan kiểm soát chặt chẽ ngồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến đảm bảo vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, tuân thủ quy trình giao nhận theo đủ ba bước, lưu mẫu thức ăn đúng quy định.
Các trường tăng cường vệ sinh, phòng chống bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn dịch bệnh trong giao mùa là thời điểm dịch dễ bùng phát.
Nhà trường, gia đình và địa phương cần phối hợp chặt chẽ hướng dẫn học sinh thực hiện quy định về an toàn thực phẩm như vệ sinh cá nhân và môi trường, ăn chín, uống sôi. Các thói quen dẫn tới nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cần được thay đổi. Chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo với độ tuổi, thể trạng của trẻ em và điều kiện của gia đình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, ngành y tế, huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục. Những điều này nhằm mục đích phát hiện kịp thời, xử lý các vi phạm nếu có, nhằm đảm sức khoẻ cho trẻ em, học sinh.
Trước tình trạng trên, Cục Y tế dự phòng đã lên tiếng cho biết, những trẻ bị nhiễm sán lợn nói trên có thể do nhiều nguyên nhân, trước mắt chưa thể khẳng định được đường lây bệnh.
Hiện tại, có 209 trẻ em ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) có kết quả xét nghiệm xác định dương tính với sán lợn.
Theo Cục Y tế dự phòng, các bác sĩ của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn đang tích cực khám, chẩn đoán phát hiện các triệu chứng, đánh giá các nguyên nhân, các yếu tố dịch tễ, tiền sử sử dụng các loại thức ăn bị ô nhiễm, làm xét nghiệm và tiến hành các phân tích để có chẩn đoán.
Tuy nhiên, việc chẩn đoán hiện tại có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm Elisa kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác đảm bảo khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, rau sống không đảm bảo vệ sinh.
- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.