Tiếp theo số 23
Khi nào nhập viện?
Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, cần cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc. Cho người bệnh nghỉ ngơi ở phòng thoáng, tránh gió lùa, ăn lỏng, nóng, ăn nhiều bữa trong ngày, đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước đặc biệt là nước hoa quả, vệ sinh răng miệng, mũi, họng, nhỏ mắt nhiều lần trong ngày bằng dung dịch cloramphenicol 1%. Thay quần áo hàng ngày, khi nhiệt độ trên 38,50C thì hạ sốt bằng paracetamol, dùng thuốc giảm ho, long đờm, uống dung dịch oresol khi có đi ngoài phân lỏng... liều lượng tùy theo tuổi thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ. Theo dõi sát tình trạng người bệnh nếu có sốt cao (đặc biệt khi ban sởi bay rồi mà còn sốt chứng tỏ có bội nhiễm), li bì hoặc vật vã kích thích, ho nhiều, khó thở, ăn uống kém, tiêu chảy nhiều cần đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Điều trị cho trẻ mắc bệnh sởi tại BV Bạch Mai. Ảnh: D.Thu
Vắc-xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất
Hiện nay, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho virut sởi mà chủ yếu là điều trị hỗ trợ bao gồm vệ sinh da, mắt, miệng họng. Đảm bảo dinh dưỡng tốt, uống nước đầy đủ và điều trị mất nước với giải pháp bù nước đường uống theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể góp phần giảm các biến chứng. Vì vậy, tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Các bậc phụ huynh cần đưa bé đi tiêm phòng đúng lịch khi đủ 9 tháng tuổi. Cần tiêm nhắc lại mũi thứ hai lúc trẻ lên 4 - 6 tuổi. Trong trường hợp trẻ đã có tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi.
Ngoài ra, để phòng bệnh không tiếp xúc với người bệnh, cách ly người bệnh ở phòng riêng. Không cho bệnh nhân tiếp xúc với thai phụ chưa có miễn dịch. Trẻ em mắc bệnh không được đến trường học và người lớn không được đến các nơi làm việc trong vòng 7 ngày sau khi mắc; Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đặc biệt sát khuẩn mũi, họng hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường bằng nước muối; Thực hiện vệ sinh môi trường sống, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng.
Báo cáo ngay những trường hợp mắc bệnh cho nhân viên y tế thôn bản hoặc cơ sở y tế gần nhất để khống chế dịch bệnh.
Khi nào không nên tiêm vắc-xin sởi?
Vì vắc-xin sởi là loại vắc-xin sống giảm độc lực nên có một số chống chỉ định, hoãn tiêm vắc-xin sởi trong những trường hợp sau:
- Không tiêm vắc-xin sởi cho trẻ đang bị dị ứng hoặc có tiền sử bị dị ứng với vắc-xin sởi hoặc có tiền sử dị ứng với neomycin, kanamycin, erythromycine, gelatin, trứng.
- Những trẻ đang được điều trị bằng các globumin miễn dịch (Ig) trong vòng 3 tháng trước khi tiêm.
- Những trẻ đang bị các bệnh thiếu hụt miễn dịch như ung thư bạch cầu, u lympho, những biểu hiện ác tính nói chung, AIDS hoặc đang được điều trị bằng corticoid, thuốc phiện, phóng xạ.
- Trẻ đang bị sốt hay bị bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.