Viêm não Nhật Bản
Từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm, khi muỗi sinh sản nhiều cũng là lúc dịch viêm não Nhật Bản bùng phát ở Việt Nam. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...
Tiêm vắc-xin cho trẻ là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: TM
Mặc dù khi được chữa trị kịp thời nhưng có khoảng 30-50% trường hợp sống sót để lại nhiều di chứng như bại liệt, liệt chi, động kinh, rối loạn phối hợp vận động. Có trẻ phải sống đời sống thực vật, bị bội nhiễm phổi và tử vong, có trẻ chậm phát triển trí tuệ, khả năng hòa nhập cộng đồng kém. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này có thể lên đến 30%. Chính vì thế, tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất để dự phòng bệnh.
Loại vắc-xin này đã được Bộ Y tế đưa vào tiêm chủng thường xuyên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội), Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế dự phòng triển khai và giám sát công tác tiêm chủng vắc-xin này tại các tỉnh, thành có nguy cơ lưu hành và bùng phát dịch. Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản, các gia đình nên chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch.
Trẻ cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin: Mũi 1 lúc 12 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 một năm. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt 80%, tiêm đủ 3 mũi có thể đạt 90 - 95% trong vòng 3 năm. Trẻ cần tiêm mũi nhắc lại sau 5 năm.
Sau khi tiêm có thể xuất hiện các phản ứng nhẹ như sưng đỏ tại chỗ, đau, sốt, nhức đầu. Các dấu hiệu có thể sẽ tự hết sau vài ngày. Các phản ứng phụ hoặc biến chứng rất hiếm gặp. Những trường hợp hoãn tiêm vắc-xin đều cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Bệnh thủy đậu
Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, hay gặp ở trẻ dưới 12 tuổi, do virut Varicella zoster gây ra. Bệnh thủy đậu lây truyền qua không khí hoặc qua tiếp xúc với vết ban hoặc dịch tiết từ vết ban. Bệnh thủy đậu thường là nhẹ, nhưng nếu không được chăm sóc tốt cũng dễ bị bội nhiễm dẫn đến viêm phổi thì bệnh trở nên nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa thủy đậu cho trẻ trên 1 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 15-20% trẻ được tiêm phòng vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh thường nhẹ hơn so với người không tiêm phòng. Nên tiêm liều đầu tiên lúc trẻ được 12-15 tháng hoặc ở bất cứ thời điểm nào sau 15 tháng nếu trẻ chưa từng được tiêm phòng trước đó. Sau đó nên tiêm liều nhắc lại trong khoảng 4-6 tuổi. Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ nếu chưa từng bị thủy đậu trước đó cũng nên tiêm phòng vắc-xin thủy đậu.
Bệnh sởi
Bệnh do virut Paramyxo gây bệnh ở thành sau họng và có đường lây truyền cũng giống virut thủy đậu. Triệu chứng khởi phát bệnh là sốt cao, ho, sổ mũi, viêm họng và mắt đỏ. Những dấu hiệu giai đoạn sau là những chấm đỏ đặc thù, sốt, ho, sổ mũi và những chấm trắng nhỏ quanh miệng. Các nốt ban sởi thường có từ 3-5 ngày sau lúc xuất hiện các triệu chứng khởi phát và thường ở đường tóc và mặt. Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh sởi mà chỉ điều trị triệu chứng và dự phòng bội nhiễm.
Khi bị bội nhiễm, các biến chứng có thể rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Do đó, cần dự phòng bệnh bằng vắc-xin. Hiện nay đã có vắc-xin phối hợp sởi và Rubella nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, có khả năng phòng bệnh cao.
Bệnh quai bị
Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường xuất hiện ở trẻ em vào mùa hè. Bệnh lây lan qua đường không khí, tiếp xúc trực tiếp, dùng chung đồ…
Một trong những dấu hiệu thường thấy là sưng tuyến nước bọt ở nền cổ sau vài ngày sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và chán ăn. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại di chứng nặng nề, đặc biệt là đối với trẻ trai, như vô sinh. Chính vì thế, cần được phòng ngừa ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Hiện nay, có thể phòng bệnh cho trẻ bằng vắc-xin kết hợp sởi, quai bị, Rubella. Vắc-xin phối hợp này có thể bảo vệ trẻ cả 3 bệnh nêu trên.
Bệnh thương hàn
Đây là một bệnh dễ bùng phát thành dịch, do lây truyền qua đường nước, đường phân - miệng. Bệnh do vi khuẩn Salmonella typhi, thường thấy trong nguồn nước hoặc thực phẩm mất vệ sinh. Những triệu chứng thường gặp là sốt cao, mệt mỏi, suy nhược, đau bụng, đau đầu, chán ăn và thỉnh thoảng có nổi ban. Mặc dù bệnh nhân đã được chữa trị, khi các triệu chứng bệnh đã hết, nhưng vi khuẩn có khả năng vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Những trường hợp này được gọi là người lành mang bệnh và cũng là nguồn lây truyền ra cộng đồng.
Hiện nay, bệnh cũng đã được dự phòng bằng vắc-xin và thường được khuyên cho các vùng kém vệ sinh, có nguy cơ cao nhiễm bệnh.