Chán ăn, làm sao khắc phục?

09-06-2014 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Chán ăn có thể gặp ở mọi lứa tuổi (ở trẻ em gọi là lười ăn), nhưng ở người cao tuổi (NCT) thì chán ăn thường gặp hơn cả và có nhiều lý do.

Chán ăn có thể gặp ở mọi lứa tuổi (ở trẻ em gọi là lười ăn), nhưng ở người cao tuổi (NCT) thì chán ăn thường gặp hơn cả và có nhiều lý do. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu với sức khỏe. Vậy người cao tuổi nên làm gì để hạn chế hiện tượng chán ăn?

Vì sao NCT thường chán ăn?

Càng nhiều tuổi thì các chức năng trong cơ thể càng bị suy giảm, trong đó liên quan đến chán ăn là do các giác quan không nhanh, nhạy như lúc còn trẻ. Mắt kém (giảm thị lực do đục thủy tinh thể...), NCT sẽ khó nhận biết thức ăn, vì vậy, các giác quan khác không hề có hoặc ít sự kích thích. Mũi ngửi kém, khó xác định mùi của thức ăn, do đó khi thức ăn được đưa vào miệng nhưng lưỡi không nhận ra thức ăn ngon hay không, hoặc có hợp khẩu vị hay không, do đó xúc giác không cảm nhận được cho nên không gây hứng thú ăn. Thêm vào đó, chức năng của hàm răng cũng đóng một vai trò đáng kể trong việc chán ăn của NCT. Răng lung lay gây viêm lợi, thậm chí mưng mủ sẽ rất khó nhai nhuyễn thức ăn, hơn nữa các loại bệnh dạng này thường làm cho người bệnh sợ nhai (đau) nên chỉ nhai qua loa rồi nuốt chửng. Một số NCT dùng hàm răng giả, nếu không biết vệ sinh sạch sẽ cũng sẽ làm cho hiện tượng viêm nhiễm lợi gây khó khăn cho việc ăn, uống. Các hiện tượng này càng kéo dài thì càng làm người bệnh chán không muốn ăn hoặc chỉ ăn qua loa.

Chế độ ăn uống hợp lý, thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt giúp khắc phục chứng chán ăn ở NCT.

Bên cạnh đó, một số người cao tuổi mắc một số bệnh như bệnh thoái hóa khớp, gút, tăng mỡ máu, bệnh đường tiêu hóa (dạ dày, táo bón phải uống thuốc, trong đó có một số thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa do gây đầy hơi, chướng bụng), một số thuốc làm tăng men gan ảnh hưởng đến chức năng gan (thuốc giảm mỡ máu) gây khó khăn cho việc tiêu hóa thức ăn. Các thuốc trị bệnh tim, thuốc an thần, thuốc ngủ, chống đau nhức, thuốc trị cảm, chống nghẹt mũi... làm giảm cảm giác trong ăn uống, thậm chí có người thường xuyên chỉ ăn một ít, bỏ dở bữa ăn. Ngoài ra, NCT mắc một số bệnh mạn tính kéo dài hoặc sống đơn thân, hoàn cảnh khó khăn (không có hoặc ít có sự quan tâm của gia đình), thiếu thốn kinh tế gây nên buồn phiền, lo lắng, mệt mỏi gây chán ăn, thậm chí bỏ bữa. Chán ăn ở NCT còn có thể gặp ở một số người bị trầm cảm, một dạng bệnh tâm thần, người bệnh không quan tâm, không để ý đến các hiện tượng xung quanh mình, trong đó có việc ăn, uống.

Khắc phục thế nào?

Khi NCT chán ăn, cần được khám bệnh để tìm nguyên nhân, trên cơ sở đó sẽ có hướng khắc phục. Khi phát hiện được nguyên nhân, nếu cần điều trị thì nên tuân theo đơn và tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình. Với người bệnh chán ăn do trầm cảm, bệnh tâm thần thì nên được khám bệnh đúng chuyên khoa tâm thần, bởi vì người chán ăn do bệnh tâm thần luôn khẳng định là họ không cần sự giúp đỡ dù trong thực tế họ rất cần. Việc điều trị càng sớm bao nhiêu sẽ càng giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục sức khỏe trở lại bấy nhiêu.

Bên cạnh đó, nếu có điều kiện thì nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt, không nên ăn quá no, không ăn nhiều mỡ động vật, không nên ăn các loại da (gà, vịt). Nên ăn nhiều rau xanh, không hoặc hạn chế ăn thịt đỏ (trâu, bò, chó), nên ăn thịt trắng (thịt nạc lợn, gà), mỗi tuần nên ăn vài ba lần cá thay cho ăn thịt. Một điều vô cùng quan trọng là bất kỳ NCT nào khi chán ăn cũng cần có sự động viên, chăm sóc tận tình và chế biến thức ăn hợp khẩu vị của họ (nên hỏi ý kiến của họ và làm theo thì họ vui vẻ ăn ngon hơn rất nhiều).

Sự động viên của thầy thuốc, gia đình, bạn bè, cộng đồng (hội NCT, cựu chiến binh, phụ nữ) và chăm sóc chu đáo của gia đình làm cho NCT cảm thấy phấn khởi hơn, thấy bản thân mình còn có ích cho gia đình, cho xã hội, gây hưng phấn và sẽ cố gắng ăn, uống để nâng cao sức khỏe. Để ăn uống ngon miệng, tránh chán ăn, nên vận động cơ thể với mọi hình thức phù hợp nhất. Đối với người tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn thì nên có người hỗ trợ (gia đình, người giúp việc, nhà lý liệu pháp) để họ có cơ hội vận động tay chân, thân thể, ngay cả trí não (đọc báo, kể chuyện cho họ nghe).

BS. Đặng Bùi Phương Linh

 


Ý kiến của bạn