Chán ăn, dùng thuốc gì?

28-11-2019 11:42 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Chán ăn có thể xảy ra ở trẻ em, người lớn. Có nhiều nguyên nhân: do chuyển hóa kém, rối loạn chuyển hóa, đường tiêu hóa, bệnh tật (như bệnh về gan); đôi khi do độ tuổi (trẻ thích tập đi tập nói hơn ăn); cũng có khi do sinh hoạt (ham chơi, làm việc bỏ bữa);

Chán ăn có thể xảy ra ở trẻ em, người lớn. Có  nhiều nguyên nhân: do  chuyển hóa kém, rối loạn chuyển hóa, đường tiêu hóa, bệnh tật (như bệnh về gan); đôi khi do độ tuổi (trẻ thích tập đi tập nói hơn ăn); cũng có khi do sinh hoạt (ham chơi, làm việc bỏ bữa); cũng có khi bị ức chế vì một lý  do  nào đó (chế độ ăn không thích hợp, bị ép buộc ăn, không hứng thú). Có người cho rằng không có thuốc chữa chán ăn, chữa không hiệu quả nhưng thực tế có loại thuốc này và dùng chúng kích thích việc thèm ăn là cần thiết.

Có những thuốc thuốc nên dùng, nhưng cũng những thuốc không nên dùng  tuy nhiên vẫn có mặt trên thị trường do để dùng cho mục đích khác.

Những thuốc nên dùng

Lysin:

Là acid amin cần thiết, con người không thể tổng hợp được mà lấy từ thức ăn, lysin có trong thịt, đặc biệt là thịt đỏ(bò, lợn, cừu, gia cầm), trong phô mai, trong một số loài cá như: cá tuyết cá mòi và trong một số hạt. Tính trong 100g thực phẩm thì trứng có 1.070mg; thịt bò thịt nạc, tôm đồng, cá nạc có từ 1400 - 1500mg; đậu xanh có 1.150mg; đậu nành 1.970mg; lạc 990mg lysin. Khi đun nấu lysin mất đi khá nhiều. Ví dụ đun ngũ cốc làm mất đi 80% hàm lượng lysin. Nhu cầu lysin mỗi  ngày (tính bằng mg/kg) ở trẻ nhỏ cao hơn ở người lớn cụ thể là trẻ sơ sinh 3 - 4 tháng là 103 trẻ 2 tuổi là 64 trẻ 10 - 12 tuổi là 44 - 60 trong khi người lớn chỉ 12. Trong sữa mẹ có lysin, trẻ bú mẹ thường có đủ lysin.Từ khi trẻ ăn dặm, nếu chọn thực phẩm  không loại giàu lysin, chế biến không đúng (đun ở nhiệt độ cao kéo dài) sẽ dẫn tới trẻ thiếu lysin.

Lysin kích thích sự thèm ăn. Lysin tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa trong đó có vai trò trò giúp hấp thụ Ca và tạo collagen, một thành phần căn bản làm thành mạng lưới cho mô liên kết, da, xương giúp cho trẻ chóng lớn. Việc chuyển hóa của lysin lại đòi hỏi có các yếu tố chuyển hóa khác như vitamin B1,B6,B2, PP acid glutamic và sắt. Trên động vật, nhiều thử nghiêm cho thấy thiếu lysin thì dẫn đến suy giảm miễn dịch. Khi thiếu lysin hay thiếu các yếu tố chuyển hóa lysin thì trẻ sẽ sẽ biếng ăn, chậm lớn, suy giảm sức đề kháng. Nếu được bổ sung lysin thì ở trẻ thiếu cân, tốc độ tăng cân sẽ cao gấp 2,5 lần; ở trẻ biếng ăn, tốc độ tăng cân cao hơn 40% so với giai đoạn mà các trẻ này không được bổ sung lysin.

Liều lysin cần bổ sung cho trẻ mỗi ngày:  trẻ dưới 4kg là 250mg và trẻ trên 4kg là 500mg.  Liều này không gây độc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lysin còn là một loại chống nhiễm kiềm nên việc dùng vượt quá liều và kéo dài có thể gây nhiễm acid huyết.

Lysin dùng cho trẻ biếng ăn thường chế dưới dạng sirô có phối hợp với vitamin B1 - B6 C - A - D và muối khoáng. Khi dùng sản phẩm này thì không dùng các sản phẩm khác chứa vitamin A - D để tránh thừa hai vitamin này. Lysin còn có dạng viên 200mg, dạng ống tiêm 30mg trong đó có phối hợp với tryptophan, vitamin B12 dùng cho trẻ và người lớn bị thiếu máu.

Taurin:

Trong một số thức ăn đồ uống của trẻ như nước tăng lực, sữa thường có bổ sung  taurin. Có nhiều quảng cáo cho taurin là thuốc chữa biếng ăn nhưng không phải như  vậy.

Taurin  được gọi là một acid amin nhưng  thực sự không giống như  các acid amin khác vì chỉ có chức amin và chức sulfonic (được coi như acid) nhưng không có chức carboxyl như các acid amin khác

Taurin là một thành phần chính của mật, có thể tìm thấy trong ruột già  trong các mô của nhiều loại động vật kể cả con người.

Taurin kết hợp với các acid mật, glycin; tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng: có nồng độ cao trong các mô, trên võng mạc, bạch cầu  và  được xem là chất  chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể trước các chất phóng xạ. Hỗ trợ cho sự phát triển bình thường của hệ thần kinh trung ương, chức năng của hệ tim mạch, chức năng của hệ cơ xương, hệ thị lực trước cũng như sau sinh. Nếu trẻ mới sinh không có đủ lượng taurin cần thiết  thì rất dễ bị tổn thương võng mạc, hạn chế sự phát triển của cơ quan  tiếp nhận ánh sáng, làm suy yếu thị lực, dẫn đến giảm hay mất khả năng nhìn. Đây là vai trò không thể thay thế được. Ngoài ra, còn có khả năng bảo vệ  ngăn ngừa một số chất độc hại do chính cơ thể sinh ra. Thử nghiệm cho hay  bổ sung một lượng thích hợp taurin  vào khẩu phần ăn sẽ có thể đề phòng được sự kích thích gây tổn hại  hệ thần kinh, phòng được xơ vữa động mạch, không làm tăng lipid.

Trong sữa mẹ có taurin. Trong cơ thể taurin  tập trung ở xương và thần kinh. Taurin trong sữa mẹ giúp cho sự phát triển bình thường của trẻ.

Khi dùng các loại sữa có bổ sung taurin cần chú ý đến liều dùng để tránh thiếu, thừa taurin  làm mất cân bằng chuyển hóa taurin  và các  amin khác. Trong sữa non lượng taurin là  41,3 7,1mmol/100ml, trong sữa 7 ngày sau sinh lượng taurin là 33,7 2,81mmol/100ml. Lượng taurin  trong sữa mẹ của người ăn chay tuy thấp hơn lượng taurin ở người bình thường nhưng vẫn cao gấp 30 lần lượng taurin trong sữa bò. Điều này chứng tỏ sữa mẹ là nguồn cung cấp taurin tốt cho trẻ, khó có loại sữa động vật nào có thể thay thế được.

Hydrposol polivitamin:

Là biệt dược chứa nhiều vitamin trong đó có vitamin A. Làm tăng cường chuyển hóa ăn ngon miệng.Tuy nhiên đây là hỗn hợp vitamin đậm đặc. Phải uống đúng liều  thì lúc đầu có hiêu lực chống chán ăn tạm thời song khi dùng quá liều và /hoặc kéo dài sẽ thừa vitamin trong đó có vitamin A, vitamin D lại gây chán ăn.

Loại  dùng phổ biến nhất là Hydrosol  polyvitamin, thuốc giọt, đóng lọ 85ml; kế đến là Hydrosol  polyvitamin, siro, đóng lọ   85ml. Trẻ em dưới 24 tháng:  uống thuốc giọt  25 giọt/ngày hay uống siro 1/2 thìa cà phê/ngày. Trẻ em trên 24 tháng: uống thuốc giọt 50 giọt/ngày hay uống sirô 1 thìa cà phê/ ngày.

Chú ý: thuốc giọt  thường có ống nhỏ giọt kèm theo. Kẹp nhẹ ống chứa thuốc bằng ngón chỉ và ngón trỏ để thuốc chảy thành giọt (đếm được, đếm đúng số giọt). Không kẹp mạnh ống chứa thuốc giữa ngón tay cái và tay chỉ hay trỏ làm cho thuốc chảy thành dòng (không đếm được giọt, gây quá liều).

Ngoài ra, còn có Hydrosol  polyvitamin, viên nang, mỗi nang  có: vitamin A(500IU) -  vit B1 (2mg) - riboflavin (1,5mg) -  pyridoxin (2mg) - pantetonat (4mg) - vit C (50mg) - vit D (1.000IU) - Vit E (2mg) - vit PP (10mg). Cứ  2ml  thuốc giọt hay 5ml sirô mới ứng với 1 viên nang. Hydrosol  polyvitamin, tiêm bắp, ống 2ml, lọ 20ml. Cứ 2ml ứng với 1 viên nang. Hai loại này chỉ dành dùng cho trẻ lớn tuổi (biết uống viên nang) hoặc không uống được (phải tiêm).

Những thuốc không nên dùng

Cycloheptadin:

Trước đây dùng chữa chán ăn (biệt dược peritol). Nay không dùng nữa vì  gây buồn ngủ, mất tập trung, lú lẫn, ảo giác;  giữ nước gây béo giả, gây nhầm tưởng lên cân, gây khô miệng, hoa mắt, nôn, sẩn, nhức đầu. Với trẻ nhỏ, làm chậm sự hoàn thiện não, dùng kéo dài có hại cho sự phát triển trí tuệ. Có thể lúc đầu gây thèm ăn, ăn ngon nhưng về sau lại  gây chán ăn.

Bộ Y tế đã cấm dùng cycloheptadin chữa chán ăn nhưng biệt dược chứa cycloheptadin vẫn còn trên thị trường để dùng cho các mục đích khác như: chống dị ứng (mày đay, viêm da, viêm mũi nhức đầu vận mạch), đặc biệt trong sốt cỏ khô; điều trị các cơn ác mộng bao gồm cả cơn ác mộng liên quan đến căng thẳng sau chấn thương; dùng trong hội chứng serotonin (một hội chứng xảy ra khi dùng các chất ức chế sự tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) và chất MAOI hay trong trường hợp hyperserotonin do  khối u carcinoid; dùng phòng và chống nhức nửa đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên; dùng làm giảm rối loạn chức năng tình dục  do SSRI gây ra; dùng làm giảm mồ hôi do thuốc gây ra; dùng giảm hội chứng nôn theo chu kỳ.

Ngoài việc cấm dùng chữa chán ăn, khi dùng cycloheptadin cho các mục đích khác cũng cần biết cycloheptadin có các chống chỉ định với: glaucoma - loét dạ dày tá tràng - phù nề, ứ nước tiểu - cơn hen nặng. Cân nhắc với người có thai cho con bú.

Hydrocortison:
Trước có dùng hydrocortison để chữa chán ăn vì chúng tăng cường chuyển hóa, làm tiết nhiều dịch vị ở dạ dày, gây cảm giác đói, ăn ngon, giữ nước, làm béo giả (nhầm tưởng là lên cân). Nhưng thuốc lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại, với trẻ em có thể gây ra các tổn thương không hồi phục. Nay không còn dùng nữa.

Insulin

Trước có dùng insulin để chữa chán ăn vì  insulin  làm tăng hấp thu và chuyển hóa đường của tế bào, hạ đường huyết, tạo cảm giác ăn ngon, nhưng ngừng thuốc lại chán ăn như cũ; nguy hại hơn là có thể gây hạ đường huyết đột ngột. Nay không còn dùng nữa.


DS.CKII. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn
Tags: