Đỗ Quang Em nổi tiếng với lối vẽ cực thực vô cùng hiếm gặp tại Việt Nam
Lối vẽ cực thực vô cùng hiếm gặp tại Việt Nam, những năm 1970- 1990. Nhưng cái hiếm có của tranh Đỗ Quang Em không chỉ là kỹ thuật mà là cách nhìn. Thay phô diễn kỹ thuật, tạo ra những cú sốc về diễn tả như ta vẫn thường gặp ở cực thực, ông lại chơi ánh sáng và bóng tối là chính.
Để bạn đọc Báo Sức khỏe & Đời sống hiểu thêm về một danh họa vừa mới đi về cõi tĩnh lặng, chúng tôi trân trọng đăng bài viết của họa sĩ Phạm Bình Chương, một cái nhìn sâu lắng của người làm nghề viết về người đàn anh trong nghề nghiệp.
Nguồn sáng của ông bí hiểm, cục bộ với cường độ cao tạo cho đối tượng có độ chói và bóng ngả mạnh. Mục đích của nguồn sáng không phải là chiếu rõ vật mẫu mà chỉ đủ le lói, chỉ đủ hiện ra cái đẹp nhất và luôn thiếu thông tin. Tức là hình ảnh chỉ hiện một phần, không bao giờ trọn vẹn. Chỉ một nửa khuôn mặt, nửa bờ vai... liệu nó có mất đi cái form của hình? Và có làm người xem bối rối?
Hoàn toàn không!
Ngược lại, người xem tranh còn thấy được rất rõ, đó là "suy đoán", là "suy diễn", là " hình dung" của não... Ông rất hiểu quy luật thị giác: Khi quan sát đối tượng, não bộ tự bù vào phần khuyết của hình, nếu như nó cảm thấy biết rõ về hình đó. Ví dụ đơn giản nhất là logo quả táo cắn dở của Apple.
Dù bị khuyết nhưng ai cũng nhìn thấy đây là một quả táo, ai cũng có thể tô nốt phần khuyết vì não đã quá quen thuộc với quả táo. Nếu không thì mắt sẽ nhìn ra hình vô cùng khó hiểu với nửa quả táo và một chiếc càng cua.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - nhận xét rằng, danh họa Đỗ Quang Em cùng với Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm… đại diện cho những khuynh hướng sáng tác của lớp họa sĩ Sài Gòn trước 1975 và làm nên diện mạo hội họa Sài Gòn.
Chúng ta thử ngắm bức chân dung vợ ông, với ánh sáng hạn chế chỉ chiếu được một phần mặt và tay, còn lại tất cả chìm trong bóng tối. Xem một lúc, chúng ta sẽ tự động điền nốt phần lưng và một lúc nữa thì là toàn bộ cơ thể, với một đường viền chuẩn xác và đẹp nhất có thể. Đó chính điều kỳ diệu làm nên tên tuổi của Đỗ Quang Em: Người xem tự giải nốt bài toán.
Trên thế giới phong cách chơi sáng tối mạnh có thể kể đến George de la Tour rất nổi tiếng với ánh sáng nến hất ngược. Hoặc ta có thể thấy ở phong cách u ám như Caravaggio, Zubaran... nhưng triệt tiêu hoàn toàn đường viền trong bóng tối như Đỗ Quang Em là rất hiếm.
Ngoài ra ông là người dám chơi khoảng trống. Tỷ lệ khoảng trống đôi khi chiếm 70%, 80% tác phẩm. Khoảng tối của ông không phải là nền bẹt, phẳng mà là không gian sâu thẳm, vô định. Người xem sẽ tìm ra những hình ảnh lờ mờ trong bóng tối ấy. Như là xem tranh của Rembrand, xem một lúc sẽ thấy hình trong bóng tối hiện ra. Nó làm cho phần sáng trở nên rất "đắt", cũng như làm cho tranh ông trở nên huyền bí, dù chỉ là những đồ dùng quen thuộc.
Nếu xem tranh thật của Đỗ Quang Em ta mới thấy trình độ tả siêu hạng thế nào từ màu tới chất và chi tiết, với bề mặt vô cùng hoàn hảo. Nhưng chính ông lại giấu nó đi, đủ để người xem phải thèm, phải đoán... Chính vì thế xem tranh Đỗ Quang Em phải xem lâu và kỹ, để rồi người xem bị mê hoặc lúc nào không hay.
Tôi thật may mắn được xem tranh ông tại một số phòng tranh và nhà riêng tại Mỹ, vì phần lớn tranh ông nằm ở thị trường Hồng Kong và Mỹ, do một Artdealer người Mỹ nắm giữ, bắt đầu tại galley Lã Vọng, Hong Kong.
Khi ông rời xa cõi tạm cũng là lúc chúng ta khẳng định lại giá trị của Đỗ Quang Em và cùng ngắm những tác phẩm của ông. Tạm biệt ông với lòng kính trọng và ngưỡng mộ.