Những rối loạn thường ngày như chán ăn, đầy bụng, trướng bụng, đầy hơi là những triệu chứng hay gặp của bệnh chậm tiêu cơ năng. Tần suất của bệnh lý này tương đối cao (khoảng 20 - 25% dân số), nhưng phần lớn chưa được mọi người quan tâm một cách đầy đủ và thường nghĩ đó chỉ là những triệu chứng thoáng qua rồi tự khỏi.
Khó chịu vùng thượng vị phần lớn chưa được quan tâm, hay bị bỏ qua.
Nguyên nhân bệnh chậm tiêu cơ năng
Cho đến nay nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh chậm tiêu cơ năng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, tuy nhiên có một vài yếu tố sau thường được nhắc đến trong bệnh sinh của chậm tiêu cơ năng: rối loạn làm vơi dạ dày, bệnh dạ dày tá tràng không loét, hiệu số điện thế niêm mạc, trào ngược tá tràng dạ dày, Helicobacter Pylori (HP) và các loại vi khuẩn khác, yếu tố tâm lý, rối loạn vận động túi mật.
Yếu tố tâm lý, thần kinh: Sự giận dữ, cáu gắt sẽ gây ức chế tiết dịch, làm giảm nhu động của dạ dày - ruột; ngược lại sự sợ hãi lại gây kích thích tăng tiết, tăng nhu động, tăng dòng máu đến niêm mạc dạ dày... Những yếu tố này tác động liên tục, hàng ngày làm rối loạn chức năng vận động, phát sinh các triệu chứng.
Vấn đề ăn uống, sinh hoạt: cũng là một nguyên nhân khi mà cuộc sống của chúng ta có nhiều tác động qua lại. Việc ăn quá nhanh, nhai không kỹ, giờ ăn thất thường, ăn nhiều gia vị, thức ăn không phù hợp... đều có thể gây ra các triệu chứng chậm tiêu.
Nhiễm vi khuẩn HP (helicobacter pylori): Người ta thấy rằng có HP ( ) ở 50% bệnh nhân bị chậm tiêu cơ năng, gấp 3 lần so vơí nhóm chứng, điều trị tiệt trừ HP giúp cải thiện một số triệu chứng lâm sàng của chậm tiêu.
Cơ chế bệnh sinh
Cơ chế gây chậm tiêu cơ năng rất phức tạp, hiện vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Có một số thuyết đề cập đến cơ chế gây bệnh:
Do rối loạn vận động dạ dày - ruột: có thể là kém vận động vùng hang vị, tăng vận động không hiệu lực hoặc rối loạn vận động tá tràng không đồng bộ với dạ dày làm mất hiệp đồng giữa dạ dày và tá tràng dẫn đến giảm khả năng làm vơi dạ dày.
Do rối loạn nhạy cảm dạ dày - ruột: tăng cảm giác đau, tăng nhu động, tăng cảm giác về lượng thức ăn chứa trong dạ dày ruột,…
Biểu hiện của bệnh
Bệnh cảnh lâm sàng chính là cảm giác đau và khó chịu vùng thượng vị sau ăn bao gồm nhiều mức độ khác nhau từ cảm giác khó chịu, nóng ran, đau tức hoặc cảm giác căng tức, cảm giác mau no, buồn nôn… Các triệu chứng này phải kéo dài trên 3 tháng và ít nhất 3 đợt. Các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào loại hình của chậm tiêu cơ năng như: chậm tiêu dạng loét, chậm tiêu dạng vận động, chậm tiêu dạng trào ngược, chậm tiêu không đặc hiệu.
Cần hết sức chú ý, trước khi chẩn đoán chắc chắn là chậm tiêu cơ năng cần nội soi dạ dày tá tràng để loại bỏ tổn thương thực thể, ngoài ra cần làm siêu âm để chẩn đoán loại trừ với các bệnh lý khác như cơn đau quặn gan do sỏi mật.
Chậm tiêu cơ năng chia thành 2 hội chứng:
Hội chứng khó chịu sau ăn: Có ít nhất một trong các triệu chứng sau với thời gian khởi phát triệu chứng ít nhất là 5 tháng trước đó, rõ hơn trong 3 tháng cuối:
Đầy khó chịu bụng sau ăn: xảy ra sau một bữa ăn trung bình và ít nhất vài lần trong tuần.
No sớm: xảy ra ít nhất vài lần trong tuần với những bữa ăn thông thường.
Hội chứng đau bụng thượng vị: Đau và/hoặc nóng rát với thời gian khởi phát triệu chứng ít nhất 6 tháng trước đó, rõ hơn trong 3 tháng cuối với các đặc điểm: Xảy ra không liên tục ở vùng thượng vị với mức độ trung bình trở lên và ít nhất một lần trong tuần. Không xuất hiện ở ngực và các vùng bụng khác. Không giảm đi sau khi đại tiện và trung tiện.
Điều trị thế nào?
Để điều trị chậm tiêu cơ năng hiệu quả trước hết cần khai thác được các thông tin hữu ích từ phía bệnh nhân, đặc biệt là các thói quen sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá…, những thuốc bệnh nhân đã dùng trước đó nhất là các thuốc chống viêm steroid hoặc non-steroid. Bệnh nhân béo phì cần được giảm cân và bệnh nhân có căng thẳng về mặt tâm lý cần được sử dụng tâm lý liệu pháp trong điều trị. Ngoài ra cũng cần chú ý đến thời gian xuất hiện triệu chứng, nếu triệu chứng đã kéo dài nhưng không ảnh hưởng đến đời sống bệnh nhân thì cũng không cần điều trị hoặc nếu triệu chứng mới xuất hiện thì cũng cần theo dõi một thời gian để xác định chẩn đoán trước khi điều trị. Ngược lại, nếu triệu chứng đã nặng và ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân thì cần điều trị. Khi đó cần cân nhắc sử dụng các loại thuốc để điều trị có hiệu quả nhất và ít tác dụng phụ nhất.
Nhiều thuốc có thể sử dụng trong điều trị chậm tiêu cơ năng, tuy nhiên, liệu trình điều trị tối ưu cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ, tùy theo loại hình chậm tiêu mà có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp các thuốc. Việc dùng thuốc điều trị và các giải pháp ăn uống, sinh hoạt cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của thầy thuốc.