Chậm tiêu cơ năng, dùng thuốc thế nào?

13-03-2018 13:28 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Chậm tiêu cơ năng (CTCN) là cụm từ nhằm chỉ một số rối loạn ở cơ quan tiêu hóa như: chán ăn, đầy bụng, trướng bụng, đầy hơi… Đây là tình trạng rất hay gặp với nhiều người nhưng dễ bị bỏ sót hoặc điều trị chưa đúng.

Nguyên nhân gây CTCN

Bệnh CTCN biểu hiện ở mỗi bệnh nhân khác nhau, do vậy nguyên nhân gây bệnh cụ thể vẫn còn là vấn đề chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tuy nhiên có thể chỉ ra các nguyên nhân lớn như:

Bất ổn tâm lý, thần kinh là yếu tố hàng đầu gây chậm tiêu. Những căng thẳng, stress mạn tính thường kéo theo sự giận dữ, cáu gắt, nóng tính sẽ gây ức chế tiết dịch, làm giảm nhu động của dạ dày - ruột. Các rối nhiễu trong tâm trí dẫn đến sợ hãi, lo lắng… lại gây kích thích tăng tiết, tăng nhu động, tăng dòng máu đến niêm mạc dạ dày. Các bất ổn tâm lý, căng thẳng thần kinh tác động liên tục, hàng ngày làm rối loạn chức năng vận động, phát sinh các triệu chứng của CTCN một cách đầy đủ, bao gồm cả chán ăn, đầy bụng, trướng bụng…

Nhiễm vi khuẩn H.Pylori - một nguyên nhân gây chậm tiêu cơ năng.

Nhiễm vi khuẩn H.Pylori - một nguyên nhân gây chậm tiêu cơ năng.

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) cũng gây CTCN. Người ta thấy rằng có HP dương tính ở 50% bệnh nhân bị CTCN, gấp 3 lần so với nhóm người không mắc bệnh. Những nhận định này gợi ra hướng mở diệt trừ HP giúp cải thiện một số triệu chứng lâm sàng của chậm tiêu.

Vấn đề ăn uống, sinh hoạt: Việc ăn quá nhanh, nhai không kỹ, giờ ăn thất thường, ăn nhiều gia vị, thức ăn không phù hợp... đều có thể gây ra các triệu chứng chậm tiêu. Các thói quen sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá… cũng là nguyên nhân khiến các triệu chứng CTCN trầm trọng hơn.

CTCN chia thành hai hội chứng là hội chứng đau bụng thượng vị và hội chứng khó chịu sau ăn.

Với hội chứng đau bụng thượng vị, người bệnh có cảm giác đau và/hoặc nóng rát vùng thượng vị. Cảm giác này có thể xảy ra thường xuyên nhưng cũng có khi chỉ gặp hai lần trong tuần. Không giảm đi sau khi đại tiện và trung tiện. Triệu chứng này rất dễ bị nhầm với các triệu chứng khi mắc viêm loét dạ dày - tá tràng, nên dễ nhầm lẫn.

Trường hợp có hội chứng khó chịu sau ăn, người bệnh sẽ gặp phải ít nhất một trong các triệu chứng sau trong khoảng thời gian từ 1-5 tháng trước đó như: đầy khó chịu bụng sau ăn, xảy ra sau ít nhất vài lần trong tuần. Người bệnh sớm thấy no dù ăn ít, xảy ra ít nhất vài lần trong tuần.

Dùng thuốc thế nào?

Do nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh của CTCN chưa rõ ràng, do vậy điều trị bệnh cần kết hợp các giải pháp về thay đổi thói quen hàng ngày và tâm lý liệu pháp kết hợp dùng thuốc.

Để điều trị hiệu quả bệnh, cần khai thác được các thông tin hữu ích của bệnh nhân như: Các thuốc đã dùng cách đây chừng 2 tháng hoặc đang sử dụng, nhất là các thuốc chống viêm steroid (prednison, prednisolone, betamethasone…) hoặc non-steroid (aspirin, ibuprofen, diclofenac, và naproxen…). Ngoài ra cũng cần chú ý đến thời gian xuất hiện triệu chứng. Nếu triệu chứng xuất hiện đã lâu và không ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân thì không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt. Với trường hợp triệu chứng mới xuất hiện cũng như vậy và cần theo dõi một thời gian mới cần phải điều trị. Ngược lại, nếu triệu chứng xuất hiện lâu, có dấu hiệu nặng và ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân, thì cần phối hợp các giải pháp điều trị. Mục đích dùng thuốc ở những bệnh nhân này là cân nhắc sử dụng các loại thuốc điều trị có hiệu quả nhất và ít tác dụng phụ nhất.

Về dùng thuốc, có một số thuốc có thể dùng trong điều trị CTCN, tuy nhiên, không có liệu trình cụ thể mà cần căn cứ tình trạng của bệnh nhân để điều trị cho từng trường hợp. Có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp những thuốc sau:

Thuốc chống tiết acid chlorhydric (HCl) dạ dày

Phần lớn bệnh nhân CTCN có triệu chứng mang tính chất rối loạn acid dạ dày dạng loét, nên các thuốc ức chế acid ở dạ dày hay được sử dụng.

Thuốc chống tiết HCl gồm thuốc ức chế histamin H2 như nizatidin, cimetidin, ranitidin, famotidin... và thuốc ức chế bơm proton như omeprazol, lansoprazol... có tác dụng ức chế rất mạnh đến việc tiết acid dạ dày. Ngoài ra, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như prostaglandin, sucralfat, bismuth cũng được sử dụng trong điều trị và cho kết quả khả quan.

Thuốc diệt trừ vi khuẩn HP

Để tiêu diệt vi khuẩn HP, hiện nay các bác sĩ phải phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh cùng một lúc. Tùy vào tình hình bệnh nhân, chủ yếu là tình hình kháng thuốc của vi khuẩn HP trên bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn loại kháng sinh phù hợp. Tùy theo điều kiện có thể sử dụng clarythoromycin, tinidazole hay amoxycilin hoặc metronidazole trong điều trị diệt HP cho kết quả khá tốt.

Các thuốc khác như cisaprid là loại thuốc gây tiết acetylcholin, thuốc tăng vận động dạ dày và loại thuốc ức chế thụ thể dopamine (metoclopramid, domperidon, promethazin, butyrophenol) cũng được sử dụng điều trị chậm tiêu.

Lời khuyên của thầy thuốc

Với tất cả các trường hợp CTCN dù mới mắc hay đã nặng, nếu người bệnh béo phì cần được giảm cân. Bệnh nhân nên ngừng sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá…để tăng hiệu quả điều trị. Trường hợp bệnh nhân căng thẳng về mặt tâm lý cần được sử dụng tâm lý liệu pháp trong điều trị. Trường hợp rối loạn tâm lý nặng thì cần hội chẩn với bác sĩ tâm thần để phối hợp điều trị bệnh hiệu quả. Bệnh nhân được giải quyết tốt vấn đề tâm lý sẽ mang lại hiệu quả cao trong điều trị chậm tiêu.


Ds. Minh Tiến
Ý kiến của bạn