Chăm sóc y tế tốt - Tiêu chuẩn của chất lượng sống lành mạnh

21-02-2014 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Điều gì khiến cho một thành phố có cuộc sống trở nên lành mạnh? Một sự kết hợp ăn ý của các nhân tố từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẵn có cho đến hệ thống giao thông hoàn hảo hay những cam kết cải thiện về các không gian xanh.

Điều gì khiến cho một thành phố có cuộc sống trở nên lành mạnh? Một sự kết hợp ăn ý của các nhân tố từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẵn có cho đến hệ thống giao thông hoàn hảo hay những cam kết cải thiện về các không gian xanh. Được bầu chọn bởi 2 hãng tin uy tín là The Guardian và The Economist, dưới đây là bảng xếp hạng 5 thành phố có chất lượng sống tốt nhất thế giới.

Singapore

Người Singapore đang chiếm 2 danh hiệu khiến cả thế giới mơ ước: một là nước có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong thấp nhất thế giới; hai là nước có tuổi thọ trung bình của người dân cao nhất thế giới. Được xếp hạng là quốc gia nằm trong số những nước có hệ thống chăm sóc y tế hiệu quả nhất toàn cầu, hơn 80% cư dân sử dụng hệ thống chăm sóc y tế công, trong đó có vài loại hình chăm sóc khác nhau. Trên tất cả, Singapore là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới (các giới luật nghiêm khắc, chống khạc nhổ nước bọt hay xả rác bừa bãi), chính phủ nước này đã sử dụng thành công các ưu đãi, đánh thuế và cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông từ lúc cao điểm trong thập niên 1970. Hệ thống giao thông toàn diện của Singapore – SMRT – đảm trách việc đi lại của hơn 2 triệu hành khách mỗi ngày.

Singapore ngày nay.

Singapore ngày nay.

Tokyo

Với một trong những hệ thống vận tải hiệu quả nhất thế giới, vận chuyển xấp xỉ 3 triệu người/ngày tại khu vực đô thị trung tâm, hiệu ứng khí thải nhà kính ở Tokyo hiện được đánh giá là thấp nhất so với các đô thị khác ở châu Á. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mật độ thải khí CO2 của Tokyo là 4,89 tấn trong khi ở Bắc Kinh là 10,8 tấn và Singapore là 7,86 tấn. Năm 2012, báo Guardian đã xếp hạng Nhật Bản là thành phố trong lành thứ 2 thế giới, tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản thuộc hàng cao nhất thế giới: 84,19 tuổi. Có được những điều này là nhờ các nhân tố như việc đầu tư trong y tế công, các mối quan hệ gia đình và cộng đồng mạnh mẽ, ý thức giữ gìn vệ sinh cao của người Nhật, đồng thời là một chế độ ăn uống khá phổ biến với cơm, cá và rau tươi. Bảo hiểm y tế toàn dân cũng được tiến hành vào năm 1961, trong đó cắt giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và tiêu trừ những căn bệnh truyền nhiễm.

Perth - Úc

Được xếp hạng là một trong 10 đô thị đáng sống nhất trái đất trong năm 2013, theo tiêu chí bình chọn của Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU). Perth cũng là một trong những đô thị lành mạnh nhất dành cho phụ nữ của Australia. Việc xếp hạng của EIU dựa trên 5 tiêu chí quan trọng: sự bền vững, chăm sóc y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, văn hóa, và môi trường. Theo tạp chí sức khỏe phụ nữ Australia (AWH), Perth đứng đầu danh sách về việc ăn uống lành mạnh, an khang tinh thần, đời sống thoải mái và sức khỏe y tế. Giữa khoảng thời gian 1998 và 2009, số lượng người đi xe đạp ở Perth tăng 450% và Transperth (hệ thống vận tải công cộng của thành phố Perth) đã được thiết lập nhiều trạm nhà chờ xe đạp, người đi xe đạp có thể khóa bánh xe của họ khi đặt xe tại trạm.

Copenhagen – Đan Mạch

Thủ đô Đan Mạch đứng đầu bảng của nhiều danh sách y tế toàn cầu bởi văn hóa đi xe đạp và sự giảm mạnh thải khí nhà kính trong vòng một thập niên qua. Kể từ năm 2005, lượng khí thải nhà kính ở Đan Mạch đã giảm 20%, thành quả này nằm trong một phần kế hoạch của chính quyền Copenhagen nhằm biến nơi đây trở thành thành phố carbon trung tính đầu tiên trên thế giới vào năm 2025. Mỗi ngày, 50% dân Copenhagen đi làm hoặc đi học bằng xe đạp và có gần 400km các dạng làn đường dành cho xe đạp trên khắp thành phố này, trong đó, làn đường băng qua cầu Dronning Louises kết nối với các khu dân cư Nørrebro được xem là làn đường xe đạp sầm uất nhất thế giới, mỗi ngày ước tính có khoảng 36.000 người đi xe đạp lưu thông trên tuyến đường này.

Monaco

Monaco là một công quốc nhỏ thuộc Riviera Pháp, cách TP. Nice khoảng 15km về phía Đông. Diện tích công quốc này chỉ đúng 2km2 và nó là quốc gia có mật độ dân cư dày đặc nhất thế giới, tuổi thọ trung bình của người dân cũng khá cao: 89,6 năm. Tính theo bình quân đầu người thì Monaco có mật độ tập trung các tỷ phú và triệu phú cao nhất thế giới. Sự giàu có tột đỉnh khiến cho người dân hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyệt hảo nhất thế giới, đứng thứ 13 về chăm sóc y tế vào năm 2000 theo bình chọn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông hoàng Albert II đã thành lập ra Quỹ Monaco với nhiều sáng kiến xanh bao gồm giảm carbon, các khách sạn và văn phòng chính phủ đều áp dụng công nghệ xanh để giảm thiểu ô nhiễm ra môi trường; công quốc Monaco cũng sử dụng một đội hình xe hơi chạy điện thông minh.

NGUYỄN THANH HẢI

(Theo BBC NEWS )

 


Ý kiến của bạn