Chăm sóc y tế người đồng tính và chuyển giới: Các rào cản cần tháo gỡ

04-04-2016 07:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm hơn 50%, trong đó, nam giới chiếm 66% và 5,2% là đồng tính nam. Quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 19 lần và nữ chuyển giới nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 49 lần. Những con số đã chỉ ra những tiềm ẩn về lây lan HIV trong nhóm đồng giới nếu không có biện pháp phòng, chống HIV đúng, an toàn...

Hạnh phúc khi được là chính mình

Nếu không được giới thiệu tôi không thể ngờ rằng, hai cô gái khá xinh đẹp ngồi trước mặt đã từng là nam giới. Khẽ vuốt lại mái tóc dài, L.L và T.A kể lại chuyện đời mình...

L.L, sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh cho biết, ngay từ khi còn là một cậu bé đã phát hiện ra mình chỉ thích chơi những trò chơi của con gái, thích mặc những bộ áo váy của con gái. Đến năm lớp 6, khi các bạn trai cùng trang lứa “thầm thương trộm nhớ” các bạn gái thì L.L lại thích bạn trai. Khi ấy, người ta gọi L.L với các biệt danh:  “đồng cô”, “ẻo lả”. L.L hoang mang về bản thân mình. Lớn lên, tự tìm hiểu các trang mạng, qua báo chí, L.L mới ý thức được mình là con gái. Mặc dù biết sẽ khó tìm được bạn trai bình thường, nhưng L.L vẫn quyết định chuyển giới để được sống với con người thật của mình.

Tại hội thảo, nhiều quan điểm cho rằng, kỳ thị là rào cản lớn để đồng giới nam tìm đến dịch vụ y tế.

T.A cũng vậy. Từ nhỏ cậu bé T.A đã ăn nói nhẹ nhàng, thích túm tụm với con gái, chơi trò con gái và cũng thích bạn trai khi đến tuổi dậy thì. Nhiều người, kể cả người trong gia đình T.A cũng gọi T.A là “dì”, là “pê đê”, “xăng pha nhớt”, thậm chí có người không dám ngồi cạnh họ vì sợ bị... lây, rồi gây gổ. Hơn thế nữa, khi phát hiện T.A đi chơi với một người con trai và có những cử chỉ thân thiết, tình cảm thì chính bố đẻ của T.A đã đánh T.A “đến không thể ngồi được”. Và T.A đã quyết định chuyển giới khi biết mình thực sự là ai. Hiện tại T.A rất thoải mái với cuộc sống mới này.

Còn H., một MSM chia sẻ, khi phát hiện mình không thích bạn gái mà lại đem lòng si mê một cậu bạn trai, H. rất hoảng sợ. Anh giấu mình, lo sợ bị ghét bỏ, bị xua đuổi. Anh gạt bỏ khỏi tâm trí mình ý nghĩ về cậu bạn ấy, cố gắng “yêu” một cô gái, nhưng không thành công. Tận sâu trong H. vẫn vùng vẫy một con người khác...

Do thông tin về người đồng tính rất ít, nên khi lớn lên, những người như L.L, T.A, H. đã không hiểu mình là ai và nên làm thế nào. Đến khi biết giới tính thực của mình thì gặp phải sự kỳ thị của mọi người trong gia đình và xung quanh khiến họ sợ hãi chính bản thân mình.

Những khó khăn khi là người dị tính

Mặc dù quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) và người chuyển giới hiện không phải là vấn đề mới ở nước ta. Song, không phải ai cũng hiểu rõ về nhóm người này. MSM và người chuyển giới là nhóm thiểu số về giới tính và tính dục đang bị xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử khá nặng nề. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao trong nhóm này.

Sự kỳ thị khiến họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như khi mở tài khoản ngân hàng, đi máy bay... T.A kể có lần đi qua hải quan ở sân bay, cô phải mang trang phục nam, tóc ngắn, không trang điểm để vẫn phù hợp với giới tính nam trong giấy tờ của mình.

Trong chăm sóc y tế, người đồng tính cũng gặp rất nhiều rào cản. Tại Hội thảo “MSM, người chuyển giới - họ là ai?” do Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, BS. Phạm Vũ Thiên, chuyên gia về người đồng giới cho biết, kỳ thị và phân biệt đối xử đã ngăn cản những người đồng giới nam tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế và tâm sự  hành vi tình dục đồng giới với các nhân viên y tế. Có đến 18-21% nam quan hệ tình dục đồng giới cảm thấy sợ hãi khi tìm đến các dịch vụ y tế.

Đến nay, ở Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào phẫu thuật chuyển giới toàn bộ cơ thể, nên hầu hết người chuyển giới phải sang nước ngoài để phẫu thuật với giá khá đắt và nguy cơ không thành công khá cao. T.A chia sẻ: “Để có cơ thể của nữ giới, bọn em tự tìm mua và tiêm hormon thay thế. Biết ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng em không biết đến đâu để được bác sĩ hướng dẫn”.

Có lần L.L đi khám bệnh, nhân viên y tế đọc thấy tên nam giới, nhưng xuất hiện lại là nữ, liền bỏ qua. Người đồng giới cũng bị từ chối khám, chữa bệnh về bộ phận sinh dục đã chuyển giới. L.L,T.A, H. và nhiều người thuộc giới này mong muốn có mô hình phòng khám thân thiện để được chăm sóc y tế bình đẳng như mọi người, tránh được bệnh tật và nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng.


Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn