Chăm sóc 'vùng kín' cho bé gái sơ sinh đúng cách

24-11-2022 10:17 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Vùng kín của bé gái thường rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương nên đòi hỏi người mẹ phải vệ sinh cẩn thận hơn. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và giữ cho em bé của bạn khỏe mạnh.

1. Nguyên nhân gây viêm nhiễm vùng kín ở bé gái

Nhiều người cho rằng bé còn nhỏ nên thường chủ quan trong việc vệ sinh vùng kín cho bé. Tuy nhiên, vùng kín của bé còn non nớt và cũng dễ viêm nhiễm. Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Sản tự nguyện, BV Phụ sản Hà Nội, không chỉ người lớn bị viêm nhiễm mà trẻ nhỏ cũng nhiều bé bị viêm. Ở trẻ em không hay bị viêm âm đạo mà chỉ bị viêm vùng âm hộ phía ngoài.

ThS. Diêm Thị Thanh Thủy cho biết, trong quá trình khám thực tế bác sĩ đã từng gặp trường hợp bé gái bị viêm nhiễm vùng kín. Có trẻ chỉ vài tháng tuổi cũng bị viêm nhiễm vùng kín.

Theo ThS. Diêm Thị Thanh Thủy, đối với trẻ nhỏ nguyên nhân lớn nhất gây viêm nhiễm là do chế độ ăn thiếu cân bằng. Hiện nay nhiều gia đình nuông chiều trẻ cho con ăn uống vô tội vạ, thường xuyên uống nước ngọt, ăn nhiều thịt, đường mà không chú ý đến ăn rau và chất xơ. Những thực phẩm này dễ gây viêm nhiễm trong cơ thể.

Chế độ ăn nhiều chất xơ, tăng cường ăn rau là chế độ ăn tốt nhất để kiềm hóa cơ thể, thanh lọc cơ thể. Giảm bớt chế độ ăn thịt, giảm bớt đường, tăng cường ăn rau có thể phòng chống axit hóa, phòng chống ung thư.

PGS. TS. BS. Lưu Thị Hồng, Tổng thư ký Hội Phụ Sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Y học Sinh sản Giới tính Việt Nam cho biết, một nguyên nhân nữa gây viêm vùng kín cho bé là việc đóng bỉm cho bé thường xuyên và không vệ sinh đúng cách khi thay bỉm.

2. Vệ sinh vùng kín đúng cách cho trẻ

Ở trẻ nhỏ vẫn còn đóng bỉm, mồ hôi và các chất khác có thể tích tụ trong và xung quanh môi âm hộ. Bạn chỉ cần làm sạch bên trong và xung quanh môi âm hộ để làm sạch cặn nước tiểu và chất thải của bé.

Theo PGS. TS. BS. Lưu Thị Hồng, mỗi lần thay bỉm cho con cần phải lau rửa thật sạch, thấm khô rồi mới đóng bỉm mới.

Chăm sóc vùng kín cho bé gái sơ sinh đúng cách  - Ảnh 3.

Khi vệ sinh vùng kín cho bé cần lưu ý không lau ngược từ phía sau.

Bạn có thể vệ sinh bộ phận sinh dục của bé khi thay tã và khi tắm. Để làm sạch môi âm hộ của bé, hãy làm ướt một miếng bông gòn bằng nước ấm, giữ hai chân của bé dạng ra và lau giữa môi âm hộ bằng bông gòn.

Luôn bắt đầu từ phía trước và nhẹ nhàng lau về phía sau. Không lau theo chiều ngược lại để tránh các chất thải bị dây lên âm hộ, ngăn ngừa vi khuẩn từ mông sang âm đạo và niệu đạo và gây tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm âm đạo.

Khi vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh, mẹ nên chú ý thật nhẹ tay, không chà xát mạnh vào vùng kín của trẻ. Dùng bông gòn mới nếu cần lau lại. Lau khô vùng kín của bé bằng khăn mềm và thấm nhẹ.

Tuyệt đối không sử dụng chất khử mùi hoặc thụt rửa âm đạo. Chúng có thể làm đảo lộn sự cân bằng hóa học tự nhiên trong âm đạo của bé và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nếu muốn, bạn có thể thêm một lượng nhỏ dung dịch rửa dịu nhẹ đã được cơ quan y tế uy tín cấp phép để lau rửa cho bé.

BS. Diêm Thủy cho biết:
Khi vệ sinh vùng kín cho trẻ, mẹ có thể dùng nước trà xanh nấu chín để rửa cho bé.

Tránh sử dụng phấn rôm ở bất cứ đâu trên người bé, kể cả xung quanh bộ phận sinh dục của bé. Phấn rôm có các hạt mịn mà bé có thể hít vào gây nguy hiểm hoặc kết hợp với nước tiểu đọng lại gây vón cục dẫn đến viêm nhiễm.

Bé gái mới sinh có thể ra dịch tiết âm đạo có lẫn chút máu hoặc tiết dịch đặc như sữa trong vài tuần đầu sau khi sinh là điều bình thường. Đây là phản ứng của bé đối với hormone của mẹ, hormone này vẫn còn trong cơ thể bé. Nhưng nếu tình trạng tiết dịch này không hết, bạn nên liên hệ với bác sĩ đa khoa hoặc y tá chăm sóc sức khỏe trẻ em và gia đình.

5 việc cần làm để đánh bay mùi khó chịu ở ‘vùng kín’5 việc cần làm để đánh bay mùi khó chịu ở ‘vùng kín’

SKĐS - Bạn không thể loại bỏ tất cả các mùi, nhưng bạn có thể giảm cường độ của mùi ‘ vùng kín’ bằng cách thực hành các quy trình vệ sinh nhất định.

Xem thêm video đang được quan tâm

Bệnh đậu mùa khỉ được Bộ Y tế xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn