Hà Nội

Chăm sóc và phòng trị thoái hóa khớp cổ chân

02-10-2014 14:19 | Y học 360
google news

SKĐS - Thoái hóa khớp cổ chân thường xảy ra ở các bệnh nhân tuổi ngoài 40. Bệnh tiến triển chậm nhưng lại ảnh hưởng đến các sinh hoạt hằng ngày.

Hiện nay, do môi trường làm việc ngày càng đòi hỏi cao khả năng làm việc, các bệnh về khớp, thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp cổ chân nói riêng trở nên phổ biến. Thoái hóa khớp cổ chân là hậu quả của việc mất cân bằng giữa việc tổng hợp và hủy hoại của sụn và phần xương dưới sụn ở cổ chân. Bệnh thoái hóa khớp cổ chân nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến tàn phế.

Những nguyên nhân

Hiện tại, chưa có một nguyên nhân nào chính xác gây ra bệnh này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có một số yếu tố liên quan như:

Khớp được sử dụng quá nhiều trong công việc, nhất là trong trường hợp khớp bị biến dạng bẩm sinh hoặc do mắc các bệnh làm thay đổi hình thái khớp xương.

Một số các bệnh viêm khớp mãn tính hủy hoại sụn dẫn tới việc khớp bị thoái hóa: các bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút…

Nhiều các chấn thương nhỏ ở cổ chân cộng lại do chơi thể thao hoặc bệnh nghề nghiệp khó tránh khỏi như vận động viên điền kinh, cầu thủ bóng chuyền, quần vợt hay bóng đá, khớp cổ chân của diễn viên múa làm mất đi sự cân bằng của khớp và dây chằng.

Người cao tuổi khi bị ngã sẽ rất dễ gây các chấn thương nặng hơn người trẻ tuổi.

Các triệu chứng

Người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng khớp cổ chân khi mắc phải, sau đó là cảm thấy vướng víu khi vận động. Các cơn đau nhói có thể xảy ra bất chợt hay khi gắng sức hoặc ấn vùng khớp cũng như va đập. Mức độ các cơn đau dao động từ nhẹ đến nặng, tăng trong quá trình vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Những đau đớn này làm giảm biên độ hoạt động của khớp cổ chân, kéo dài trong một thời gian dài sẽ dẫn tới bệnh teo cơ và trong một số trường hợp còn có thể gây biến dạng xương.

Có thể gây ra các phản ứng viêm như sưng nóng đỏ ở khớp cổ chân, hoặc nặng hơn là tràn dịch khớp kéo theo các cơn đau suốt ngày đêm.

Phương pháp điều trị

Nếu bệnh nhân bị cảm thấy đau nhức và cần giảm đau, đầu tiên là nên dùng khăn hoặc túi lạnh để chườm, sau đó lại chườm bằng nước nóng. Nếu không có điều kiện, bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp xoa, bóp nhẹ nhàng rồi dùng dầu gió hoặc kem deefheat xoa vào khớp làm cho nóng lên.

Nếu thấy khớp cổ chân bị cứng thì bệnh nhân nên tập co, duỗi khớp cổ chân.

Nếu thực hiện các động tác vừa nêu trên một cách đều đặn mà bệnh tình không hề thuyên giảm thì bệnh nhân nên tranh thủ đi khám để được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc và cho lời khuyên. Tuyệt đối không được tự động mua thuốc uống hay tiêm vì các loại thuốc được dùng trong việc điều trị thoái hóa khớp cần phải được hiểu rõ cơ chế hoạt động và nhất là hiện tượng xảy ra các tác dụng phụ. Xoa dầu hay đắp nước lạnh, chườm nước nóng là một trong các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp cổ chân.

3 động tác vận động khớp cổ chân:

Quay cổ chân:

Bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc đứng bên cạnh gần cẳng chân; một tay giữ gót chân người bệnh, tay kia nắm phía đầu bàn chân; quay cổ chân người bệnh 2 - 3 lần; rồi đẩy bàn chân vào ống chân (co tối đa) sau đó duỗi bàn chân đến cực độ.

Lắc cổ chân:

Thầy thuốc đứng phía dưới, hai tay ôm cổ chân người bệnh, hai ngón cái để trên mắt cá trong và mắt cá ngoài, dùng gốc bàn tay đẩy đưa gót chân người bệnh vào trong, ra ngoài 2 - 3 lần.

Kéo dãn cổ chân:

Bệnh nhân vẫn nằm thẳng, thầy thuốc đứng bên cạnh, một tay giữ gót chân, tay kia nắm bàn chân, cùng một lúc kéo hai tay về phía dưới để cổ chân dãn ra, kéo vài lần. Đổi bên.

Cách phòng tránh

Người ngoài 40 tuổi nên chú ý việc sinh hoạt và kèm theo một chế độ luyện tập nhẹ nhàng, đều đặn như việc chơi thể thao, đi bộ, đi bơi. Hạn chế việc mang vác nặng làm các cơ hoạt động quá sức khiến cho cổ chân phải chịu một khối lượng lớn dễ dẫn đến viêm hoặc thoái hóa khớp.

Khi nghi ngờ mình mắc bệnh về khớp, bệnh nhân cần tranh thủ thời gian đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn một cách đúng đắn. Bệnh nhân cũng nên thường xuyên đi khám định kỳ để biết tình trạng khớp của mình và biết cách phòng tránh kịp thời.

Đối với người cao tuổi, cần có sự tập luyện khớp xương cổ chân nhẹ nhàng như: xoay khớp nhẹ nhàng, xoa bóp cổ chân, đi lại trong nhà.

Đi bộ là hình thức tập luyện khá hiệu quả và được đại đa số mọi người thực hiện. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không nên đi quá xa có thể gây mệt mỏi.

Trên thực tế, bệnh cảnh này là mạn tính gây khó chịu chứ không nguy hiểm tính mạng. Chỉ định mổ là chuyện cần cân nhắc, dùng xoa bóp bấm huyệt, châm cứu và dùng thuốc giúp cải thiện tốt hơn giảm đau để người bệnh tập luyện góp phần cải thiện thoái hóa khớp cổ chân.

Thoái hóa khớp cổ chân là một bệnh mạn tính, cần giảm mức độ hoạt động, cổ chân sẽ bớt sưng đau ngay.

Có thể dùng băng cổ chân, thuốc kháng viêm.

Nếu chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý, bệnh có thể giảm từng đợt trong vài tuần tới vài tháng.

Đối với người lớn tuổi, khi bị thoái hóa khớp cổ chân thuốc có thể dùng là glucosamine, vitamin, thuốc giảm đau, chống viêm, tập các động tác giúp dẻo dai vùng cổ chân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nên đến khám, tư vấn và điều trị ở bác sĩ chuyên khoa về khớp.

BS. LÊ THIỆN KIM HỮU


Ý kiến của bạn