Hà Nội

Chăm sóc và dự phòng tái phát sau đột quỵ

07-11-2016 13:43 | Đời sống
google news

SKĐS - Đột quỵ có tỷ lệ tử vong cao, nếu qua được cũng ảnh hưởng lớn đến tinh thần và thể chất của người bệnh, 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

Đột quỵ có tỷ lệ tử vong cao, nếu qua được cũng ảnh hưởng lớn đến tinh thần và thể chất của người bệnh, 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động. Họ có thể cảm thấy bất lực, thất vọng, chán nản và thờ ơ, thay đổi tâm trạng và tính khí. Thống kê năm 2015 cho thấy, Việt Nam có khoảng 486.000 người còn sống sau đột quỵ, chỉ có khoảng 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20-25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ trong sinh hoạt, 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc.

Vấn đề này đã đặt ra cho y học nhiều chiến lược chăm sóc và phòng ngừa thứ phát hiệu quả sau đột quỵ cho người bệnh, bởi vì đến thời điểm hiện nay việc khống chế các yếu tố nguy cơ và chăm sóc đúng cách cho người bệnh sau đột quỵ vẫn là chiến lược tối ưu nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống của họ và phòng ngừa tái phát.

Chiến lược hỗ trợ cơ bản sau đột quỵ

Kết nối với những người khác và quan tâm về mặt xã hội có tầm quan trọng đặc biệt đến sự phục hồi của người bệnh. Một số chiến lược có thể giúp người bệnh và người chăm sóc người bệnh, bao gồm:

Đừng nghĩ khó khăn với bản thân: Sự phục hồi về thể chất và cảm xúc sẽ khó khăn và cần nhiều thời gian. Nên khích lệ sự tiến bộ của người bệnh.

Hãy ra khỏi nhà, ngay cả khi khó khăn: Cố gắng không để bị nản chí hoặc tự nâng ý thức lên, nếu người bệnh đi lại khó khăn thì cần hỗ trợ bằng gậy, khung đi bộ hoặc xe lăn. Đi lại rất tốt cho người bệnh.

Tham gia nhóm hỗ trợ: Gặp gỡ với những người cũng đang trong quá trình phục hồi sau đột quỵ giúp người bệnh tương tác và chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và xây dựng tình bạn mới.

Hãy để bạn bè và gia đình biết người bệnh cần gì: Mọi người thường muốn giúp đỡ người bệnh, nhưng họ có thể không biết phải làm gì. Hãy hướng dẫn họ cách giúp đỡ, chẳng hạn như mang phần ăn đến, ở lại để ăn với người bệnh và nói chuyện. Người bệnh nên thường xuyên tham dự các sự kiện xã hội và các hoạt động cộng đồng khác. Hãy cho người bệnh biết họ đột quỵ là tai biến rất thường gặp, ví dụ cho họ biết thông tin: tại Mỹ cứ khoảng 40 giây lại có một người bị đột quỵ.

dot quyĐột quỵ có tỷ lệ tử vong cao, 90% người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với những di chứng về thần kinh và vận động.

Những thách thức giao tiếp sau đột quỵ và giải pháp

Một trong những hậu quả khó chịu nhất của đột quỵ là nó có thể ảnh hưởng đến lời nói và ngôn ngữ người bệnh. Dưới đây là một số cách để giúp người bệnh và những người chăm sóc người bệnh đối phó với thách thức này:

Thư giãn và dành thời gian trò chuyện với người bệnh mỗi ngày. Nó sẽ giúp người bệnh tìm hiểu những gì tốt nhất cho họ, cảm thấy được kết nối và xây dựng lại sự tự tin của người bệnh. Thời điểm thích hợp để trò chuyện sau khi ăn tối.

Hãy nói theo cách của người bệnh: Khi người bệnh đang khôi phục từ một cơn đột quỵ, họ có thể cần phải sử dụng ít từ hơn, dựa trên cử chỉ hay dùng giai điệu của giọng nói để giao tiếp.

Sử dụng đạo cụ để trợ giúp giao tiếp: Người bệnh có thể cần một số đạo cụ gợi ý để thể hiện những từ thường được sử dụng, nhằm xác định hình ảnh của bạn bè thân thiết và các thành viên trong gia đình hoặc các hoạt động hằng ngày, chẳng hạn như một chương trình truyền hình yêu thích hoặc cần vào phòng tắm.

Làm gì để phòng tránh đột quỵ tái phát?

Kiểm soát huyết áp: Một trong những điều quan trọng nhất có thể làm để giảm nguy cơ đột quỵ tái phát là giữ cho huyết áp của người bệnh ở mức kiểm soát. Tập thể dục, tránh stress, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế lượng muối và rượu, ăn uống lành mạnh... Bên cạnh việc thay đổi lối sống, bác sĩ có thể kê toa thuốc để điều trị tăng huyết áp.

Giảm lượng cholesterol và chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống của người bệnh: Ăn ít cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa có thể làm giảm mảng xơ vữa trong động mạch. Nếu không thể kiểm soát cholesterol thông qua những thay đổi chế độ ăn uống đơn độc, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc hạ cholesterol máu.

Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ cho người hút thuốc và người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc lá. Bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ đột quỵ và đột quỵ tái phát.

Kiểm soát bệnh đái tháo đường: Có thể quản lý bệnh đái tháo đường bằng chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát cân nặng và thuốc men.

Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh: Thừa cân góp phần vào các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác, chẳng hạn như tăng huyết áp, bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả: Chế độ ăn uống tăng cường rau và trái cây có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và đột quỵ tái phát.

Tập thể dục thường xuyên: Nếu sau đột quỵ, người bệnh tự đi lại được nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày: đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp. Nếu đi lại khó khăn có thể tập vận động có người hỗ trợ một phần hoặc có công cụ hỗ trợ như tay vịn chẳng hạn hoặc tập vận động thụ động có người hỗ trợ hoàn toàn. Tập đều đặn hằng ngày 30 phút hoặc chia nhỏ ra nhiều lần, mỗi lần 10 - 15 phút.

Thuốc phòng ngừa: Nếu đã một lần bị đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc TIA, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ khác bằng các thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin và các thuốc khác.


TS. BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn