Hà Nội

Chăm sóc trẻ trong ngày hè nắng nóng

13-07-2019 16:36 | Đời sống
google news

SKĐS - Do thời tiết thay đổi đột ngột, trẻ không kịp thích nghi, cộng thêm môi trường ô nhiễm nên số trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm da cũng gia tăng rõ rệt.

Những đợt nắng nóng xen kẽ những ngày oi nồng đã làm cho số trẻ phải nhập viện tăng lên đột biến, phần lớn là những ca bệnh nặng. Tuy nguyên nhân gây bệnh có khác nhau nhưng đều có cùng một bệnh cảnh lâm sàng. Bệnh thường bắt đầu đột ngột và nguy kịch ngay, bệnh diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao (20-30%). Một số trường hợp trước đó có thể có một số triệu chứng như : nôn, tiêu chảy hoặc theo sau một bệnh khác như cúm, sốt phát ban... nhưng trong trường hợp điển hình, thường thấy trẻ sốt cao kèm co giật toàn thân; các cơn xảy ra liên tiếp; rồi đi vào hôn mê, phần lớn bị hôn mê sâu. Trẻ bị rối loạn nhịp tim hoặc truỵ mạch, thở không đều; nhưng không có biểu hiện liệt (liệt nửa người hay liệt dây thần kinh).

Do thời tiết thay đổi đột ngột, trẻ không kịp thích nghi, cộng thêm môi trường ô nhiễm nên số trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm da cũng gia tăng rõ rệt. Tỷ lệ viêm đường hô hấp do virut (siêu vi) khá cao, thường biểu hiện bằng các triệu chứng viêm họng, viêm mũi - họng (sốt cao, ho, chảy mũi, đau họng) rồi viêm phổi. Nhiều cháu bị viêm phổi nặng nhưng bố mẹ cứ tưởng là con chỉ bị viêm mũi-họng thông thường, tự cho con uống thuốc; khi bệnh nặng mới cho con đi khám bệnh thì đã muộn.

Thời tiết mùa hè nắng mưa thất thường; nhiệt độ không khí dao động, độ ẩm môi trường cao... đã là cơ hội cho vi khuẩn, virut phát triển và gây bệnh. Để chủ động phòng ngừa các loại bệnh nói trên, các gia đình, các bậc cha mẹ cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

- Chú ý bảo đảm đủ dinh dưỡng cho trẻ. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn quả xanh, rau sống, uống đủ nước, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, vệ sinh khi pha chế sữa cho bé, khi chế biến thực phẩm;

- Chú ý chăm sóc trẻ chu đáo: bảo đảm vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường; hằng ngày nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ (vài ba lần/ngày) bằng dung dịch natri clorit 0,9% để làm sạch mũi, mắt;

- Không để trẻ chơi đùa ngoài trời nắng; mỗi khi ra nắng hay đi học phải đội mũ, nón rộng vành; có đủ nước cho trẻ uống khi ở nhà và cả khi ở trường.

- Nhà ở phải sạch sẽ, thoáng mát và đủ ánh sáng. Khi dùng quạt điện, nên đặt quạt hướng về phía tường hoặc màn để làm mát; không để quạt xối gió thẳng vào người, nhất là trẻ nhỏ. Ở đô thị, nếu có sử dụng máy điều hoà nhiệt độ, nên để nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài khoảng 8-10oC hoặc duy trì nhiệt độ trong phòng khoảng 28oC; nhớ cho trẻ uống đủ nước để khỏi bị khô họng, nhất là khi ngồi lâu trong phòng điều hoà nhiệt độ; để tránh cho trẻ (và cả người lớn) khỏi ngạt mũi, viêm họng, đau đầu, chóng mặt nên để trong phòng một chậu nước hoặc thỉnh thoảng lau sàn nhà bằng khăn ẩm để duy trì độ ẩm trong phòng. Khi định ra ngoài phòng lạnh nên từ từ mở rộng cửa, đợi 2-3 phút sau mới ra khỏi phòng (để cơ thể có thời gian thích nghi với không khí bên ngoài).

- Tiêm vaccin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B. Với cháu mới tiêm lần đầu cần tiêm mũi thứ hai sau mũi thứ nhất hai tuần lế; với cháu đã tiêm mũi hai, cần tiêm nhắc lại sau mũi thứ hai một năm.

- Nhớ cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay để tránh muỗi đốt; ngủ màn, kể cả giấc ngủ ban ngày của trẻ; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, loại bỏ nơi muỗi đẻ (vũng nước đọng, lon bia, vỏ dừa, mảnh chai lọ đọng nước mưa); thả cá đuôi cờ vào chum vại bể chứa nước ăn để diệt loăng quăng.

- Khi thấy trẻ sốt cần theo dõi sát sao; nếu trẻ sốt từ 38,5oC trở lên cần hạ sốt cho bé bằng cách nới rộng quần áo, chườm khăn dấp nước ấm vào trán, nách, bẹn; cho uống thuốc hạ sốt (paracetamol), rồi cho bé đi khám bệnh ngay.


BS. Nguyễn Quang Ngọc
Ý kiến của bạn