Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà đúng cách

08-10-2023 09:41 | Phòng mạch online

SKĐS - Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà đúng cách trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước là điều phụ huynh rất quan tâm, giúp trẻ nhanh phục hồi sức khoẻ.

Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, diễn tiến bệnh ở trẻ em cũng giống như người lớn, pha đầu tiên sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, cơ, khớp nên trẻ thường quấy khóc. Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà lúc này chỉ cần hạ nhiệt, sang ngày thứ 4 lui sốt trẻ sẽ đỡ đau đầu, bớt quấy khóc nếu diễn tiến tốt thì trẻ sẽ tỉnh táo, chơi, nghịch được.

Nếu trẻ lờ đờ không chơi, không nghịch, trẻ nhỏ bỏ bú, tiểu ít… thì chắc chắn có diễn tiến nặng phải đến bệnh viện ngay.

Trẻ trong giai đoạn sốt cao sẽ có biểu hiện háo, khát, nếu cho bú trẻ vẫn bú, cho uống nước trẻ vẫn uống nhưng sau đó khi hết sốt trẻ bỏ bú thì cần đến viện ngay.

Một số cha mẹ băn khoăn, nếu hạ sốt trẻ không đáp ứng, có thể dùng ibuprofen kết hợp để hạ sốt không? BS. Cấp nhấn mạnh, trong khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế, không khuyến cáo sử dụng ibuprofen để hạ sốt, chỉ sử dụng paracetamol theo cân nặng.

"Khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân sốt rất cao trong 3 ngày đầu rồi sẽ lui sốt, hầu như không có trường hợp nào sốt kéo dài đến 5-7 ngày. Vì thế, khi bị sốt cao do sốt xuất huyết, bên cạnh dùng thuốc paracetamol theo phác đồ, cha mẹ nên dùng các biện pháp vật lý như chườm ấm, cởi bỏ bớt quần áo, uống nhiều nước trái cây, nước oresol, ăn đồ loãng như cháo, sữa... Việc này cần kiên trì, từ ngày thứ 3 - thứ 4 sốt cũng sẽ lui xuống" - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tư vấn

Điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2 (từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7) khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo, chưa sốc thì phục hồi nhanh. Nếu không phát hiện được để diễn tiến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỷ lệ cứu sống không được cao.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp nói.

TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, việc hạ sốt cho trẻ sốt xuất huyết nếu sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol liều 10-15mg/kg/ngày. Sau 4-6 giờ nếu vẫn sốt cao thì tiếp tục cho trẻ uống hạ sốt, ngày dùng không quá 4 lần (không sử dụng các thuốc có thành phần aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt).

"Trẻ cần được tăng cường bù nước do trong quá trình sốt cao, nôn, đi ngoài, ăn uống kém... dễ làm trẻ mất nước. Tốt nhất nên sử dụng nước oresol, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường ăn thêm rau quả..." - TS.BS Nguyễn Thành Nam nói.

Theo chuyên gia Nhi khoa, 7 dấu hiệu mất nước ở trẻ sốt xuất huyết cần cho trẻ nhập viện theo dõi gồm:

  1. Đi tiểu ít hơn bình thường (> 6 giờ không đi tiểu)
  2. Khóc không có hoặc ít nước mắt
  3. Mắt trũng hơn so với bình thường
  4. Trẻ dưới 1 tuổi có thể gặp dấu hiệu thóp trũng
  5. Miệng, môi, lưỡi khô
  6. Mệt nhiều, vật vã hoặc thay đổi tinh thần
  7. Chân và tay lạnh, ẩm ướt
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà đúng cách - Ảnh 2.

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước với hơn 93.800 ca mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. Đặc biệt tại Hà Nội, chỉ trong một tuần, Thủ đô đã ghi nhận 2.578 ca bệnh và 78 ổ dịch sốt xuất huyết mới. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội phát hiện tổng cộng 15.354 ca sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 557/579 xã, phường, thị trấn.

Dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, nhiệt độ hàng ngày dao động trong khoảng 26-32⁰C, là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh… Do đó, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.



Dương Hải
Ý kiến của bạn