Ngay từ khi lọt lòng mẹ, trẻ cần phải được giữ ấm bằng một khăn bông mềm, ấm; chỉ cần lau qua và đặt trẻ lên ngực mẹ thì trẻ sẽ được sưởi ấm tốt. Nếu tình trạng sức khỏe tốt, có thể cho trẻ bú ngay sau khi cắt rốn; trẻ cần được bú sớm ngay sữa non của người mẹ, không nên cho trẻ nhịn hoặc uống nước đường, sữa chín của người khác vì dễ bị tiêu chảy do những thức ăn không thích hợp này.
Chăm sóc trẻ trong 7 ngày đầu thời kỳ chu sinh
Thời kỳ này khá quan trọng vì 7 ngày đầu sau sinh vẫn còn là thời kỳ chu sinh của trẻ. Đây là thời kỳ có tỉ lệ tử vong cao nhất đối với trẻ sơ sinh. Nếu tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh chiếm 50% số trẻ tử vong dưới 1 tuổi thì tỉ lệ tử vong chu sinh chiếm khoảng 50% số tử vong trẻ sơ sinh. Trong giai đoạn này, do tình trạng ức chế của thần sinh sọ não nên đứa trẻ ngủ nhiều, chỉ bị thức giấc khi đói hoặc đi tiểu ướt tã và bị rét; vì vậy trẻ cần được quan tâm chăm sóc đặt biệt bằng các phương pháp cơ bản.
Trẻ sơ sinh cần được giữ ấm, không được để trẻ bị rét, bị cóng, hạ thân nhiệt vì đây là nguy cơ để vi khuẩn tấn công trẻ. Việc cho trẻ sơ sinh nằm chung với mẹ ngày nay được phổ cập rộng rãi ở các nước trên thế giới khi người mẹ sinh đẻ tại trạm y tế, nhà hộ sinh, bệnh xá kể cả bệnh viện vì chính hơi ấm của người mẹ là điều kiện sưởi ấm rất tốt cho con. Vấn đề cách ly mẹ và trẻ sơ sinh tại các phòng dưỡng nhi ở các khoa sản của bệnh viện đã không còn tồn tại nữa.
Cần cho trẻ được bú mẹ ngay càng sớm càng tốt
Trẻ sơ sinh có nhu cầu ăn rất cao, vì vậy cần cho trẻ được bú mẹ ngay càng sớm càng tốt và nên cho bú khi nào trẻ đòi bú; lưu ý thực hiện việc cho bú theo nhu cầu của trẻ chứ không cho bú theo giờ giấc. Khi đang còn ở trong bào thai, trẻ được cung cấp liên tục chất dinh dưỡng từ máu mẹ qua nhau thai; do đó khi sinh ra và ở ngoài tử cung thì trẻ dễ bị đói, bị rét nên cần có đủ năng lượng để sưởi ấm cơ thể, chống đỡ với môi trường bên ngoài. Cần lưu ý sữa non là thức ăn chính của trẻ trong giai đoạn này vì với một lượng ít sữa non khoảng chừng 200ml cũng đã cung cấp cho trẻ đủ năng lượng và các chất kháng khuẩn, nhất là IgA (immunoglobulin A). Thực tế IgA có trong sữa mẹ trong 7 ngày đầu có hàm lượng cao gấp ngàn lần so với sữa thường, vì vậy không được vắt sữa non để bỏ đi mà phải tận dụng triệt để cho trẻ bú. Ngoài IgA, trong 1cm3 sữa non có đến 4.000 bạch cầu giúp trẻ tiêu diệt được các vi khuẩn đường ruột. Đồng thời sữa non còn có cả chất interferon kháng với virút. Do đó nếu trẻ sơ sinh được bú sữa non ngay sau khi sinh thì có khả năng sẽ không bị tiêu chảy và viêm phổi.
Tình trạng sinh lý bình thường khác trong thời kỳ này cũng thường gặp như: trẻ đi tiêu phân su sau khi sinh hoặc sau vài giờ, phân có màu xanh thẫm, đặc quánh, không có mùi; nếu quá một ngày mà không thấy trẻ đi tiêu phân su là có hiện tượng không bình thường, phân su chỉ kéo dài trong vài ngày và sau khi được bú mẹ sẽ có màu vàng dần. Giảm cân nặng sinh lý cũng là hiện tượng thường gặp ở trẻ sau khi sinh vài ngày. Hiện tượng vàng da sinh lý do hồng cầu tự vỡ sẽ kéo dài không quá một tuần được xem là dấu hiệu bình thường.
Tuy vậy, cần phải lưu ý những hiện tượng không bình thường sau đây để xem xét nhằm có biện pháp xử trí phù hợp gồm: trẻ bú vào bị sặc có thể là dấu hiệu của dị dạng thực quản. Trẻ không đi tiêu phân su có thể là dị tật không có hậu môn hay teo ruột bẩm sinh. Trẻ khó thở, tím tái có thể là bệnh tim bẩm sinh, thoát vị cơ hoành. Nếu rốn bị ướt bẩn, cứng hàm, chúm chím không há được miệng để ngậm vú mẹ có thể là bị uốn ván rốn. Trẻ khóc nhiều hay ngủ li bì, không thức giấc lúc đói hay khi đi tiểu ướt tã phải được thăm khám kỹ để tìm nguyên nhân. Nếu đầu có bướu huyết thanh cần theo dõi, không nên chọc hút vì có thể bị nhiễm khuẩn gây nguy hiểm. Đối với những trường hợp trẻ bị ngạt sau khi sinh ra, phải thực hành xử trí cấp cứu tại chỗ bằng cách hút sạch đờm dãi, hô hấp nhân tạo. Khi cần chuyển lên tuyến trên, cần chú ý vận chuyển an toàn, không để trẻ bị lạnh cóng hay bị choáng. Đối với những trẻ sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng nhưng không có các dấu hiệu triệu chứng bất thường; nên giữ ở tuyến y tế cơ sở hay tại nhà để chăm sóc cẩn thận và cho bú bằng sữa mẹ có khi còn an toàn hơn vào bệnh viện vì đây là một môi trường có nhiều mầm bệnh làm trẻ dễ bị lây nhiễm bệnh.
Chăm sóc trẻ sơ sinh đến khi đầy tháng
Có thể nói giai đoạn sơ sinh là thời kỳ sau chu sinh cho đến khi trẻ đủ 28 ngày tuổi. Trong thời kỳ này, các biến cố nghiêm trọng của thời kỳ chu sinh giảm dần. Trẻ có thể yên tâm về nhà với mẹ, không cần thiết nằm lại tại trạm y tế, nhà hộ sinh, bệnh xá hay bệnh viện. Tuy nhiên trạng thái sinh lý của trẻ trong giai đoạn này vẫn còn yếu, chưa hoàn chỉnh; nhất là bộ máy hô hấp và tiêu hóa, chức năng của thận và da; vì vậy trẻ sơ sinh dễ bị các vi khuẩn tấn công đường thở, đường ruột và da.
Lưu ý trẻ cần được giữ gìn da sạch sẽ, nên tắm bằng nước ấm hàng ngày; mặc áo bằng vải mềm, may rộng rãi, thay giặt hàng ngày. Thay băng rốn và giữ cho rốn khô thường xuyên. Cho trẻ bú sữa mẹ theo nhu cầu bất cứ lúc nào trẻ khóc đòi bú, kể cả ban đêm. Trong thời điểm này người mẹ được nghỉ ngơi, thoải mái, sữa sẽ tạo nhiều; vì vậy nên cho trẻ bú để tận dụng nguồn sữa mẹ. Chú ý cho trẻ bú trước khi vú có phản xạ tiết sữa, đây là cơ sở giúp cho sữa tiết ra nhanh hơn. Cho trẻ bú khi vú cương sữa còn có tác dụng làm thông các tia sữa, không bị tắc sữa gây áp-xe. Đồng thời cho trẻ bú sớm sẽ tạo nên phản xạ của oxytocin làm tử cung co bóp tốt và cầm máu tốt. Như vậy bữa ăn của trẻ sơ sinh tốt nhất trong thời kỳ này chủ yếu là sữa mẹ, nếu trẻ bú khỏe, mẹ ăn được và ngủ được với tinh thần thoải mái thì lượng sữa được tạo ra ngày một nhiều lên, thỏa mãn nhu cầu tối đa cho trẻ. Trong tháng đầu tiên này, nếu mẹ đủ sữa cho con bú, trẻ có tăng trọng lượng lên 1kg. Nếu trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ không bị tiêu chảy, viêm phổi hay bị các bệnh nhiễm khuẩn khác. Lưu ý trong thời kỳ này cần thận trọng khi sử dụng kháng sinh vì chức năng của thận chưa phát triển tốt nên dễ gây nguy hại.
Trẻ sơ sinh nên tắm bằng nước ấm hàng ngày
Cần nhớ trước khi rời khỏi trạm y tế, nhà hộ sinh, bệnh xá hay bệnh viện; trẻ cần được tiêm chủng phòng bệnh lao vì trong 6 tháng đầu mặc dù trẻ được tiếp nhận các nguồn miễn dịch từ người mẹ để ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm nhưng nếu trẻ tiếp xúc với những người bị bệnh lao thì rất dễ bị lây nhiễm. Trường hợp ngay sau khi sinh trẻ chưa được tiêm chủng phòng bệnh lao, khi đầy tháng nên cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm chủng phòng bệnh lao. Chú ý sau khi tiêm phòng bệnh lao, trẻ thường có vết sẹo để lại trên cánh tay; nếu chưa có vết sẹo, cần phải tiêm chủng lại. Nếu sau khi tiêm phòng, trẻ bị sưng ở chỗ tiêm và nổi hạch ở nách , cần đưa trẻ đi khám và điều trị; không được chọc hút hạch ở nách. Các trường hợp người mẹ sinh khó phải can thiệp khi sinh, trẻ sinh ra không khóc ngay thì cần chú ý theo dõi; nếu thấy trẻ bú kém, ngủ nhiều, li bì, sốt hay hạ thân nhiệt hoặc tím tái, khó thở... cần đưa trẻ đến cơ sở để khám ngay và xử trí phù hợp.
Hiện nay một số nước trên thế giới, trong đó có nước ta đã tiến hành các xét nghiệm sàng lọc ngay sau khi trẻ ra đời hoặc trong 15 ngày đầu để giúp chẩn đoán sớm một số bệnh di truyền hay bẩm sinh như: thiểu năng tuyến giáp trạng bẩm sinh, phenylketo niệu, galactose huyết, hội chứng sinh dục thượng thận... Đây là những bệnh chuyển hóa và di truyền gây tổn thương lớn đến quá trình phát triển tinh thần và sinh lý của trẻ; nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, cơ thể trẻ vẫn có thể phát triển và lớn lên như một trẻ bình thường.
Chăm sóc trẻ nhũ nhi đến khi đầy năm
Theo các nhà khoa học, trẻ ở tuổi nhũ nhi được xác định từ 1 tháng tuổi đến 1 năm tuổi. Trong thời kỳ này, nhu cầu sinh lý phát triển của trẻ rất cao nhưng các bộ máy của cơ thể và chức năng sinh lý vẫn chưa được hoàn thiện tốt. Trẻ thường bị tiêu chảy vào thời điểm bắt đầu cho ăn sam hay ăn dặm; trẻ cũng dễ bị viêm đường hô hấp vì đã bắt đầu tiếp xúc với môi trường không khí bị ô nhiễm ở bên ngoài. Một số bệnh thường gặp trong thời kỳ trẻ nhũ nhi là tan máu do thiếu vitamin K vào thời điểm từ 40 - 45 ngày tuổi, thiếu máu ở thời điểm giảm cho bú mẹ và ăn sam hay ăn dặm khi trẻ từ 5 - 6 tháng tuổi. Trong thời kỳ này, nếu không được tiêm chủng phòng bệnh; từ tháng thứ 2 - 3 trẻ dễ mắc bệnh ho gà; từ tháng thứ 6 trở đi dễ bị bệnh bạch hầu, bại liệt, sởi, tiêu chảy và viêm phổi. Tiêu chảy và viêm phổi là hai loại bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất, có thể xảy ra từ 3 - 7 lần trong một năm. Nếu chế độ ăn uống thiếu chất, thiếu sữa mẹ; nếu trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn thì hậu quả dẫn đến suy dinh dưỡng là điều rất dễ dàng. Trẻ suy dinh dưỡng thường chỉ xảy ra đối với các trường hợp trẻ không được nuôi dưỡng bằng bú sữa mẹ hoặc sữa bò. Trong 6 tháng đầu sau khi chào đời, trẻ thường được thừa hưởng các yếu tố miễn dịch của người mẹ nên những bệnh truyền nhiễm cũng ít bị mắc nhiều hơn từ tháng thứ 6 trở đi. Vì vậy việc chăm sóc trẻ trong thời điểm này cũng khá quan trọng, nhất là nuôi dưỡng đúng phương pháp và tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ đầy đủ.
Lưu ý trong thời kỳ nhũ nhi, cách nuôi trẻ cho đến khi đủ 1 tuổi để đầy năm là vấn đề cần được quan tâm. Chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ cho đến khi tròn 4 tháng tuổi, nếu mẹ đủ sữa thì trẻ có thể lớn và tăng cân gấp đôi so với lúc mới sinh, tương ứng khoảng 6kg. Khi không có sữa mẹ, có thể nuôi dưỡng trẻ bằng sữa bò, sữa dê, sữa trâu, sữa cừu hay sữa đậu nành. Nên nhớ rằng các loại bột ngũ cốc không đáp ứng được nhu cầu của trẻ trong giai đoạn này, nhất là bột gạo; trẻ có thể bị suy dinh dưỡng nặng và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đối với các loại sữa đã nêu ở trên, tốt nhất là nên dùng sữa tươi hay sữa bột bảo đảm vệ sinh; sữa đặc có đường không phải là nguồn thức ăn thích hợp cho trẻ. Thực tế mặc dù người mẹ có nhiều sữa nhưng khi trẻ đã được 5 tháng tuổi cần cho trẻ ăn sam hay ăn dặm vì đây là một hình thức tập cho trẻ ăn bữa ăn của người lớn dần dần. Thức ăn sam hay ăn dặm của trẻ từ 5 - 7 tháng tuổi mỗi ngày chỉ cần một lần; cơ cấu thành phần bữa ăn gồm: bột loãng 5%; lòng đỏ trứng từ 1/4 quả trong tháng đầu, sau đó tăng dần lên; các loại rau xanh kể cả lá rau nghiền kỹ có đủ các vitamin mà muối khoáng; thêm một thìa cà phê dầu thực vật hoặc bơ, mỡ. Khi trẻ được 8 - 10 tháng tuổi, mỗi ngày cho ăn 2 bữa ăn dặm; ngoài trứng và rau, lúc này có thể cho ăn các loại chất đạm động vật hay thực vật như thịt, cá, tôm, đậu...; chất bột pha đặc dần lên 7%. Đối với trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi, mỗi ngày cho ăn 3 bữa ăn dặm; chất bột được pha đặc lên 10% với các loại thực phẩm mà người lớn ăn. Lưu ý ngoài những bữa ăn dặm bằng bột hỗn hợp, vẫn duy trì cho trẻ được bú sữa mẹ nhất là vào buổi sáng và buổi tối; nên nhớ rằng thành phần thức ăn dùng cho trẻ trong năm đầu tiên chủ yếu là sữa mẹ. Các thức ăn dùng để ăn sam hay ăn dặm là thức ăn bổ sung cần cung cấp đủ 4 nhóm gồm chất đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng; đây là một nhu cầu dinh dưỡng hoàn chỉnh cho trẻ cần thiết, nếu để thiếu bất cứ nhóm nào cũng sẽ gây mất cân đối và trẻ sẽ không phát triển tốt được.
Ở nước ta, nhiều người mẹ thường mắc phải sai lầm là cho trẻ nhũ nhi trong năm đầu tiên ăn sam hay ăn dặm quá sớm trước 4 tháng tuổi nên trẻ chưa có khả năng hấp thu được và thường bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Nếu ăn sam hay ăn dặm quá muộn và thức ăn chỉ có nước cháo, mắm muối, bột ngọt thì trẻ dễ bị suy dinh dưỡng vì thiếu chất do người mẹ kiêng cữ ít cho trẻ ăn trứng, mỡ và rau xanh. Nên nhớ rằng trứng là một loại chất đạm cao cấp đứng hàng thứ hai sau sữa có đầy đủ các axít amin rất cần cho nhu cầu phát triển của trẻ; chất mỡ sẽ cho nhiều calo hơn chất đạm, không có chất mỡ thì một số loại vitamin như vitamin A, vitamin D đều không được hấp thu vào cơ thể; các yếu tố vi lượng cần cho sự chuyển hóa như: sắt, kẽm, đồng... đều có trong những loại thức ăn như rau quả rất cần thiết cho cơ thể phát triển. Một vấn đề cũng khá quan trọng để phòng bệnh cho trẻ trong thời kỳ nhũ nhi là thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin bảo vệ theo khuyến cáo và hướng dẫn của ngành y tế dự phòng.
Theo các nhà khoa học, thời kỳ chu sinh được tính từ khi bào thai được 28 tuần tuổi cho đến khi trẻ đã được sinh ra trong 7 ngày đầu. Vì vậy khi tính tỉ lệ tử vong chu sinh thì phải tính đến tất cả các trường hợp sảy thai, thai chết lưu và số trẻ sinh ra trong 7 ngày đầu còn có dấu hiệu sống. Do đó sau khi trẻ sinh ra, việc chăm sóc trẻ trong 7 ngày đầu của thời kỳ chu sinh hết sức quan trọng. Tiếp theo là thời kỳ sơ sinh đến khi đầy tháng và thời kỳ nhũ nhi đến khi đầy năm hoặc thôi nôi cũng phải được lưu ý trong việc chăm sóc trẻ cẩn thận. Có thể nói ba thời điểm này là bước ngoặt với những dấu ấn khó quên trong cuộc đời của mỗi con người. Việc chăm sóc trẻ cần phải được thực hiện đúng phương pháp, mang tính khoa học; nên loại bỏ các thủ tục, tập quán còn lạc hậu không đáng tồn tại để giúp trẻ phát triển tốt về thể lực và trí lực một cách bình thường.