Chăm sóc trẻ mắc bệnh suyễn

02-10-2020 19:44 | Đời sống
google news

SKĐS - Bệnh suyễn là bệnh rất hay xảy ra ở trẻ em và ngày càng gia tăng khi môi trường, thời tiết... có nhiều diễn biến bất lợi. Đến nay vẫn chưa có liệu pháp để điều trị dứt điểm, tuy nhiên, nếu phụ huynh phối hợp tốt với bác sĩ, chăm sóc trẻ đúng cách thì sẽ kiểm soát và từng bước đẩy lùi được căn bệnh này.

Mỗi lần trẻ lên cơn suyễn là mỗi lần sức khỏe trẻ bị đe dọa và trẻ có thể đối diện với nguy cơ tử vong. Vì vậy, việc phát hiện và xử trí sớm cơn suyễn sẽ giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ đó. Các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể làm điều này ở nhà nếu được sự hướng dẫn đầy đủ của thầy thuốc.

Các dấu hiệu cho biết trẻ lên cơn: ho, khò khè, khó thở ở nhiều mức độ khác nhau (thở ra khó khăn, kéo dài, thở nhanh hay co lõm lồng ngực). Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu lên cơn, cha mẹ có thể giúp trẻ cắt cơn bằng các loại thuốc dạng hít hay phun khí dung. Cần lưu ý, các thuốc dạng uống thường không đủ hiệu quả để cắt cơn suyễn. Cha mẹ có thể đến phòng khám suyễn để được bác sĩ hướng dẫn loại thuốc và cách dùng phù hợp.

Nên đưa trẻ đi cấp cứu khi dùng thuốc cắt cơn mà trẻ vẫn không bớt khó thở hay chỉ giảm tạm thời; nói năng khó nhọc (không thể nói thành câu liên tục); phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và vùng cổ; cánh mũi phập phồng; tím tái (dấu hiệu nguy kịch).

Trẻ bị hen suyễn, tránh cho ăn các loại thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, nhất là các hải sản có vỏ cứng (tôm, cua, sò, ốc).

Trẻ bị hen suyễn, tránh cho ăn các loại thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, nhất là các hải sản có vỏ cứng (tôm, cua, sò, ốc).

Có cần kiêng ăn?

Trẻ suyễn vẫn cần được nuôi dưỡng đầy đủ như mọi trẻ bình thường khác. Đó là chưa kể trẻ cần được bổ sung thêm một số chất, đặc biệt là canxi, nhất là khi trẻ đang được phòng ngừa suyễn bằng corticoid dạng hít. Vì vậy, chỉ cần kiêng các loại thức ăn mà trẻ thật sự bị dị ứng (thường chỉ gặp trong 5-10% trường hợp). Một số điều các bậc cha mẹ cần lưu ý: Tránh cho trẻ dùng bột ngọt, tránh các chất bảo quản thực phẩm (thường có trong các loại thức ăn đóng gói, đóng hộp). Các loại thức ăn dễ gây dị ứng: hải sản, nhất là các hải sản có vỏ cứng (tôm, cua, sò, ốc), lòng trắng trứng, một số ngũ cốc (đậu phộng, đậu nành), hoa quả (chuối, thơm). Không dùng dầu ăn cũ, sử dụng lại nhiều lần trong chế biến thực phẩm.

Vận động thế nào?

Gắng sức cũng là yếu tố khởi phát cơn suyễn thường gặp, nhưng không vì thế mà chúng ta ngăn cản, hạn chế trẻ chạy nhảy, tập luyện thể dục thể thao. Chính việc tập thể dục thể thao đúng cách sẽ góp phần tăng cường sức khỏe cho trẻ nói chung và chức năng hô hấp của trẻ nói riêng. Mặt khác, hiện nay có nhiều phương pháp hiệu quả để giúp trẻ vẫn có thể gắng sức, chạy nhảy, tập luyện - thi đấu hiệu quả mà không bị lên cơn.

Vì vậy, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các phòng khám chuyên khoa suyễn để được tư vấn cách kiểm soát bệnh suyễn, cách chọn môn thể dục thể thao phù hợp, cách sử dụng thuốc cũng như các kỹ năng giúp trẻ phòng ngừa cơn suyễn do gắng sức.

Có thể phòng ngừa

Tuy chưa thể trị dứt điểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa, kiểm soát tốt bệnh suyễn để trẻ vẫn có thể học tập, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa. Việc phòng ngừa suyễn bao gồm: Giúp trẻ phòng tránh các yếu tố có thể làm cơn suyễn khởi phát: nhiễm trùng hô hấp, thay đổi thời tiết, khói thuốc lá và các loại khói bụi khác, chất có mùi nồng, dị ứng nguyên từ thú có lông (chó, mèo...), từ gián, mạt nhà, nấm mốc, thức ăn, thuốc, trẻ quá gắng sức... Phòng ngừa bằng thuốc khi bệnh suyễn của trẻ không được kiểm soát, trẻ thường lên cơn suyễn (có 3 lần lên cơn suyễn trong vòng 1 năm, hoặc mỗi tuần có ít nhất 1 cơn, hoặc trong 1 tháng trên 2 lần trẻ phải thức giấc về đêm do lên cơn suyễn), trẻ đã từng lên cơn suyễn nặng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Suyễn là bệnh có tính di truyền, người ta đã tìm thấy đoạn gene chi phối bệnh suyễn trên nhiễm sắc thể người. Tuy nhiên, để bệnh suyễn hình thành, bên cạnh yếu tố di truyền, còn phải có tác động bất lợi từ môi trường (chất gây dị ứng, khói thuốc lá, ô nhiễm, nhiễm trùng hô hấp...).

Vì vậy, khi cha hoặc mẹ mắc các bệnh dị ứng (suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm) thì trẻ có khả năng mắc bệnh suyễn cao hơn chứ không phải chắc chắn mắc bệnh suyễn. Do vậy, nếu trẻ đã có sẵn nguy cơ mắc bệnh suyễn (do cha, mẹ có bệnh dị ứng chẳng hạn), cần giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với những yếu tố bất lợi. Cần lưu ý, viêm mũi dị ứng ở cha mẹ cũng là biểu hiện cơ địa dị ứng phổ biến và có liên quan đến nguy cơ khiến trẻ dễ mắc bệnh suyễn.

Nhiều bà mẹ mắc bệnh suyễn thường lo ngại khi cho con bú mẹ vì sợ con mình sẽ bị “lây” qua sữa mẹ. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu trên thế giới, người ta thấy trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu sau sinh giảm nguy cơ mắc bệnh suyễn hơn là trẻ không bú mẹ.


ThS.BS. TRẦN ANH TUẤN
Ý kiến của bạn