Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các em bé mắc hen phế quản có nguy cơ gì hay không? Trẻ mắc hen có nguy cơ nhiễm SARS CoV-2 cao hơn bệnh nhân khác không? Xem trên truyền hình thấy có những bé còn phải bế ẵm mà nhiễm COVID-19, nhiều cha mẹ có con hen suyễn còn lo xa: Chẳng may mà nhiễm COVID-19, trẻ có bị bệnh nặng không?
Những băn khoăn trên đây đã được TS. BS. Lê Thị Thu Hương ( Bộ môn Nhi – ĐH Y Hà Nội) giải đáp như sau: Theo GINA( Tổ chức Hen toàn cầu), bệnh nhân hen không có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn người bệnh khác và cũng không có bằng chứng cho thấy bệnh nhân hen bị bệnh thể nặng hơn so với bệnh nhân khác khi mắc COVID-19, có nghĩa là nguy cơ tăng nặng bệnh COVID-19 không có gì khác biệt. Tuy nhiên, với những bệnh nhân hen phải sử dụng corticoid đường uống, tức là bệnh nhân có những cơn hen cấp nặng phải sử dụng corticoid đường uống để cắt cơn hen hoặc dự phòng hen thì sẽ những nguy cơ nói trên sẽ cao hơn bệnh nhân thường.
Không được bỏ thuốc dự phòng hen cho trẻ do lo ngại nguy cơ COVID-19
Như vậy, lại thêm một câu hỏi được đặt ra là: Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp này, chúng ta có nên tiếp tục sử dụng thuốc dự phòng hen cho trẻ hay không, bởi thuốc dự phòng hen thành phần chủ yếu là corticoid? Hay thậm chí là có dừng uống thuốc ở những bệnh nhân hen nặng hay không? Câu hỏi này liên quan tới sự lo ngại rằng dùng thuốc corticoid làm giảm miễn dịch, tăng nguy cơ với COVID-19.
Trước mối lo ngại này, BS. Hương dẫn tài liệu 2021 của GINA và câu trả lời dứt khoát là: Bệnh nhân đang sử dụng thuốc dự phòng hen không nên và không được phép dừng thuốc điều trị dự phòng, bởi điều này sẽ dẫn tới việc bệnh hen sẽ tăng nặng, tăng nguy cơ bệnh trạng xấu đi ở trẻ hen. Các thuốc dự phòng hen đa phần là thuốc dạng xịt, cũng có khi là thuốc đường uống, nhưng dù thế nào vẫn phải tiếp tục dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
BS. Hương nhấn mạnh, điều quan trọng khi chăm sóc trẻ hen trong giai đoạn đại dịch COVID-19 là phải có kế hoạch kiểm soát hen tốt để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện những cơn hen cấp nặng. Nhất là khi việc hạn chế đi lại, tới chỗ đông người đang được khuyến cáo, việc tái khám thường xuyên cho trẻ hen không thực hiện được. Theo BS. Hương, cha mẹ cần ghi nhớ những điểm sau đây:
1. Xịt thuốc dự phòng hàng ngày cho bé. Tùy theo mức độ bệnh trạng của từng bé mà bác sĩ sẽ có chỉ định riêng.
2. Không bao giờ quên mang thuốc cắt cơn bên mình, trong ba lô, túi, cặp của em bé.
3. Luôn mang theo Kế hoạch hành động hen bởi đây chính là những chỉ dẫn quan trọng để cha mẹ và người chăm sóc nhận biết thời điểm và cách thức ứng phó phù hợp, kịp thời với diễn biến căn bệnh hen của trẻ. Chẳng hạn, để nhận biết các dấu hiệu cơn hen cấp, khi nào phải xử lý cấp cứu, khi nào phải gọi cho bác sĩ… Mỗi một bệnh nhân hen cần có một kế hoạch hành động hen riêng.
4. Đo lưu lượng đỉnh áp dụng với các trẻ hen lớn. Kết quả đo được ghi vào sổ Nhật ký bệnh hen của con.
Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm tới hoạt động rèn luyện thể lực cho trẻ. Cho trẻ ăn một chế độ ăn đa dạng, đảm bảo cho trẻ đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, khả năng miễn dịch của cơ thể. Luôn đảm bảo trẻ được bù đủ nước. Để phòng lây nhiễm COVID-19, cha mẹ cũng như trẻ cần tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế ( Dùng khẩu trang; Giữ khoảng cách: Không tụ tập; Khử khuẩn; Khai báo y tế) và tiêm vắc xin khi điều kiện cho phép. Nghiên cứu của ZINA cũng cho thấy đối với bệnh nhân hen, phản ứng dị ứng sau tiêm vắc xin là hiếm gặp và lợi ích tiêm chủng vẫn cao hơn nhiều lần so với nguy cơ.
Trong giai đoạn dịch đang diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, nếu tình trạng hen của bé vẫn ổn định thì không cần đi khám kiểm tra. Chỉ khi bé có các dấu hiệu cảnh báo mà điều trị không hiệu quả mới phải đưa đến viện- TS. BS. Lê Thị Thu Hương lưu ý thêm.