Chăm sóc trẻ F0 tại nhà và những dấu hiệu phải khẩn cấp đưa trẻ nhập viện

03-09-2021 14:35 | Tin nóng y tế

SKĐS – Chỉ số SpO2 là một chỉ điểm quan trọng để bố mẹ, người thân chăm sóc và theo dõi các trẻ F0 phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng.

Từ một trường hợp thực tế được ghi nhận, về một ca trẻ F0 3 tuổi đo chỉ số SpO2 thấp khi điều trị tại nhà, BS.CKI Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố đã có những chia sẻ về cách đo SpO2 chuẩn, không bị nhiễu, kèm các dấu hiệu cần biết để phụ huynh đưa con đi khám và nhập viện kịp thời.

Theo Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, hơn bất kỳ ai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng cần được theo dõi SpO2 thường xuyên, chứ không chỉ là những trường hợp trẻ em mắc COVID-19 được theo dõi và điều trị tại nhà.

Cơ thể của trẻ chưa ổn định như người lớn, các chỉ số SpO2, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp có thể thay đổi thất thường. Hơn nữa, trẻ chưa có đầy đủ nhận thức về sức khỏe, chưa thể nói cho chúng ta biết về những dấu hiệu bất thường bên trong cơ thể.

Chăm sóc trẻ F0 tại nhà, đo SpO2 và những điều cần lưu ý - Ảnh 2.

Một trường hợp trẻ F0 có chỉ số SpO2 thấp (Ảnh: BSCC).

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ khuyến cáo, khi trẻ F0 được quản lý, chăm sóc và điều trị tại nhà, nếu phụ huynh phát hiện trẻ có bất cứ một trong các dấu hiệu như:

Triệu chứng khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi; nhịp thở: ≥ 30 lần/phút đối với trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi (Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).

Chỉ số SpO2 ≤ 95%.

Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút. (Người lớn và trẻ lớn ≥ 5 tuổi)

Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo). (Người lớn và trẻ lớn ≥ 5 tuổi)

Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật

Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Trẻ em không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn, có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban…

Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng, suy thận mạn, hoặc các bệnh mạn tính khác phải nhập viện can thiệp điều trị thường xuyên…

Phụ huynh cần phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; Trạm y tế xã, phường; Trạm y tế lưu động hoặc trung tâm vận chuyển cấp cứu…. để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

"Một mình chỉ số SpO2 sẽ không phản ánh tất cả được tình trạng bệnh, nhưng cũng sẽ là một chỉ điểm quan trọng để bố mẹ, người chăm sóc và theo dõi  trẻ F0 phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng. Người lớn hãy bình tĩnh trong tất cả các tình huống khẩn cấp, để con trẻ được trấn an và hợp tác điều trị hiệu quả", bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ chia sẻ thêm.

Lưu ý khi thực hiện đo chỉ số SpO2:

Khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.

Tẩy sơn móng tay (nếu có) trước khi đo.

Giữ bé ngồi yên, bình tĩnh, không quấy khóc, và đo với máy được trang bị phù hợp tuổi, kết quả sẽ không nhiễu.

Nếu có điều kiện trang bị sẵn máy có thiết kế nhỏ gọn với hình mẫu dễ thương, sinh động để các bé cảm thấy thoải mái, hứng thú hơn, có cảnh báo âm thanh khi sử dụng.

Mời xem thêm nội dung video đang được quan tâm:

Sáng 3/9:  Việt Nam ghi nhận tổng số 486.727 ca mắc COVID-19




Khôi Nguyễn
Ý kiến của bạn