Hà Nội

Chăm sóc trẻ đúng cách theo phương pháp khoa học

05-09-2015 14:21 | Đời sống
google news

SKĐS - Việc chăm sóc và nuôi nấng trẻ khỏe mạnh theo những khuyến cáo của khoa học là điều cha mẹ cần chú ý áp dụng nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện hơn

Việc chăm sóc và nuôi nấng trẻ khỏe mạnh theo những khuyến cáo của khoa học là điều cha mẹ cần chú ý áp dụng nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện hơn mang lại cuộc sống tốt đẹp cho tương lai mai sau của trẻ.

Những chăm sóc thiết yếu được khoa học khuyến cáo dành cho trẻ khỏe mạnh

Dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi của trẻ: theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (viết tắt AAP - American Academy of Pediatrics) trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ có một sức đề kháng hoàn hảo giúp trẻ chống chọi hiệu quả với bệnh tật. Theo những công trình nghiên cứu khoa học giá trị từ AAP, trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc nuôi dưỡng kém thường dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cao gấp 2 lần trẻ có tình trạng dinh dưỡng tốt, đặc biệt khi mắc bệnh trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị bệnh nặng hơn và thường xuất hiện nhiều biến chứng. Đối với trẻ nhỏ, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ là “liều vắc xin đầu đời” giúp trẻ phòng bệnh, cụ thể chúng ta có thể giảm tới 13% số ca tử vong trẻ em dưới 5 tuổi nếu thực hiện việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, và tiếp tục bổ sung nguồn sữa mẹ cho đến khi trẻ tròn 1. Trẻ từ 6 tháng tuổi, phụ huynh nên cho trẻ ăn dặm đúng cách và phủ hợp theo lứa tuổi của trẻ giúp trẻ phát triển và khỏe mạnh, đặc biệt không quên bổ sung những khoáng chất và các loại vitamin thiết yếu từ các loại rau xanh, trái cây tươi và cho trẻ tắm nắng mỗi buổi sáng trước 9 giờ.

Ngủ đủ giấc và đúng giờ: rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ em. Trong lúc ngủ, hoóc-môn tăng trưởng sẽ được giải phóng sẽ giúp các chất dinh dưỡng được hấp thụ tốt hơn, đặc biệt hoóc-môn này cũng giúp tăng trưởng xương và sụn của trẻ một cách tối ưu nhằm giúp trẻ có một chiều cao lý tưởng khi trưởng thành. Ngủ hay nghỉ ngơi đầy đủ theo nhu cầu lứa tuổi của trẻ cũng giúp nâng cao sức đề kháng.

Vận động thể lực thường xuyên giúp trẻ dẻo dai: luyện tập thể lực thường xuyên sẽ có tác động tích cực lên hệ miễn dịch của trẻ, giúp trẻ có một vóc dáng cân đối về sau, trẻ sẽ lanh lợi và thông minh hơn hẳn những trẻ ít vận động, đồng thời sự tiếp xúc với môi trường tự nhiên sẽ giúp cơ thể trẻ dần dần có được nguồn kháng thể “chất lượng” chính là vũ khí quan trọng giúp trẻ đề kháng với bệnh tật.

Giữ vệ sinh cá nhân tốt - nhất là “vệ sinh tay”: được xem là liều “vắc-xin miễn phí” và rất hiệu quả giúp trẻ tránh được rất nhiều tật bệnh lây lan qua con đường tay - miệng và phân - miệng. WHO đánh giá, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch có thể ngăn chặn được tới 47% các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp cấp tính. Một thực tế đáng báo động là có tới 74% số bà mẹ có con dưới 5 tuổi không rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn hoặc cho trẻ bú, bàn tay của người chăm sóc trẻ không sạch cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh.

Thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho trẻ: qua đợt khám sức khỏe định kỳ, trẻ sẽ được đánh giá tổng quát về thể lực cũng như sự tăng trưởng của cơ thể như kiểm tra về chiều cao, cân nặng, thị lực, thính giác, tâm thần, vận động, thăm khám các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, về máu để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe của trẻ. Một số bệnh nếu phát hiện muộn có thể để lại những di chứng nặng nề, khiến trẻ phải gắn bó suốt đời với bệnh viện. Với trẻ nhỏ trong năm đầu đời việc khám sức khỏe định kỳ nên được thực hiện hàng tháng, với trẻ lớn việc khám sức khỏe sẽ được thực hiện mỗi 6 tháng.

Thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo lứa tuổi trẻ: WHO cho biết, hàng năm trên toàn thế giới: có khoảng 11,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chiếm hơn 50% bao gồm các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tiêu chảy, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm HIV/AIDS… Rất may là đến thời điểm hiện tại, hầu hết các loại bệnh lý này đã có sẵn thuốc chủng ngừa (vắc-xin) một cách hiệu quả và an toàn. Việc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng hiệu quả hoạt động hệ thống miễn dịch giúp trẻ phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm cũng như ngăn ngừa những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Những nguyên tắc quan trọng trong việc chăm sóc trẻ bệnh

Khi trẻ mắc bệnh, hầu hết những phụ huynh mới làm cha mẹ lần đầu rất hay bối rối và lo lắng, cố gắng tìm mọi sự trợ giúp từ người thân hoặc truy cập internet những thông tin liên quan đến chăm sóc trẻ bệnh… Tuy nhiên, có những thông tin hay kinh nghiệm đó đôi khi có thể gây hại cho trẻ. Phụ huynh nên thận trọng và có sự chọn lọc kỹ lượng. Chăm sóc thiết yếu đối với trẻ bệnh cần thực hiện những nguyên tắc dưới đây:

Chăm sóc đặc hiệu theo từng bệnh trẻ đang mắc: phụ huynh cần chú ý lắng nghe những tư vấn của bác sĩ nhi khoa về việc chăm sóc đặc hiệu những loại bệnh lý mà trẻ đang mắc đơn cử:

Chăm sóc trẻ bị sốt (do phát ban, do cúm, do nhiễm siêu vi...): cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều lượng do bác sĩ chỉ định. Nên để trẻ mặc quần áo thoáng mát và cho trẻ uống nhiều nước, cần thiết có thể cho trẻ lau mát bằng nước ấm giúp trẻ hạ sốt nhanh. Tuyệt đối tránh việc ủ trẻ quá kỹ làm trẻ bị sốt cao có thể dẫn đến co giật, kiêng tắm - kiêng nước có thể làm trẻ khó chịu, quấy khóc nhiều hoặc thậm chí có thể gây nhiễm trùng da, trẻ sốt vẫn có thể tắm bình thường bằng nước ấm.

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy: điều quan trọng nhất là bù đủ nước, cha mẹ nên cho trẻ uống nước thường xuyên để phòng tình trạng mất nước vì tiêu chảy, tốt nhất nên cho trẻ uống nước Oresol (còn gọi là nước biển khô) để bù lại lượng muối khoáng và nước bị sau mỗi lần trẻ bị tiêu chảy, liều lượng từ 50 - 100ml dịch uống tùy theo tuổi của trẻ. Nếu trẻ không uống được loại nước này, có thể cho trẻ uống bất cứ loại nước nào mà trẻ thích như nước dừa tươi, nước ép trái cây tươi, nước canh, nước cháo, nước sôi nguội, hoặc nước ép cà rốt. Tuyệt đối không cho trẻ uống những loại nước chứa nhiều đường ngọt hoặc nhiều gas như” Pepsi, Coca - Cola, xá xị... vì sẽ làm cho tiêu chảy của trẻ trầm trọng hơn. Không tự ý sử dụng thuốc “cầm ỉa” hoặc cho trẻ uống thuốc “kháng sinh” khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc trẻ bị viêm phổi: viêm phổi thông thường ở mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể điều trị tại nhà. Việc quan trọng nhất là cho trẻ uống thuốc kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị và tái khám đúng theo lịch hẹn. Ngoài ra, cần kết hợp những chăm sóc cần thiết khác giúp trẻ mau khỏe mạnh như giảm ho - giảm đau họng cho trẻ bằng những loại thuốc ho an toàn có nguồn gốc từ thảo mộc/thảo dược như: rau tần dày lá, tắc chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong…và làm thông thoáng đường hô hấp cho trẻ bằng “nước muối loãng” giúp trẻ ăn uống và bú mẹ thuận lợi, dễ dàng hơn.

Chăm sóc trẻ bị mắc sởi tại nhà: cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol đơn chất với liều lượng 10 - 15mg/kg cân nặng, mỗi 4 - 6 giờ nếu thấy trẻ bị sốt từ 38,5oC, tuyệt đối không sự dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ. Cho trẻ tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng. Tuyệt đối không ủ trẻ qua kỹ hoặc dùng các loại nước lá không rõ nguồn gốc tắm hoặc đắp trên da của trẻ vì có thể gây nhiễm trùng da hoặc nặng hơn có thể làm trẻ bị ngộ độc.

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà: ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi cần thiết, nên cho trẻ uống thật nhiều nước nhất là dung dịch Oresol hoặc bất cứ nước uống gì mà trẻ thích vì việc bù đủ nước sẽ giúp trẻ mau lành bệnh và giảm một cách đáng kể những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tuyệt đối không nên cho trẻ uống những loại nước có màu nâu hoặc đỏ như Coca - Cola hoặc xá xị vì có thể gây nhầm lẫn với triệu chứng ói ra máu, không cạo gió hay cắt lễ khi trẻ bệnh vì sẽ gây thêm đau đớn cho trẻ và nguy hiểm hơn có thễ dẫn đến tình trạng xuất huyết trầm trọng hoặc nhiễm trùng máu.

Thực hiện tốt 3 nguyên tắc chăm sóc trẻ bệnh tại nhà (với mọi bệnh lý):

Cho trẻ uống “nhiều nước” hơn bình thường: khi trẻ bệnh cơ thể rất dễ bị mất nước, trẻ được bổ sung đủ nước sẽ mau lành bệnh và qua được cơn nguy hiểm.

Cho trẻ ăn như bình thường, nếu ăn được nhiều hơn thì càng tốt: trẻ khó khăn trong ăn uống phụ huynh nên phân nhỏ bữa ăn của trẻ để trẻ có thể nhận đủ lượng thức ăn.

Cần đưa trẻ đến “ngay” bệnh viện: nếu thấy tình trạng sức khỏe của trẻ không cải thiện hoặc trầm trọng hơn sau 2 - 3 ngàychăm sóc tích cực tại nhà.

ThS.BS. ĐINH THẠC


Ý kiến của bạn