Tôi có cháu nhỏ mới được 10 tháng tuổi, cháu đã từng bị viêm phế quản phổi hồi 5 tháng. Hiện tại, khi thời tiết thay đổi, tôi rất lo lắng cách chăm sóc cháu như thế nào để không bị mắc lại, mong bác sĩ tư vấn.
Lê Hải (Hòa Bình)
Viêm phế quản phổi là tổn thương viêm cấp diễn lan tỏa cả phế nang, mô kẽ lẫn phế quản, thường do các tác nhân virut khởi đầu, sau đó bội nhiễm vi khuẩn hoặc do cả hai. Bệnh viêm phế quản - phổi nếu được phát hiện và điều trị đúng, sớm sẽ rất tốt. Khi bị viêm phế quản phổi, nên chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ một cách toàn diện ngay từ giai đoạn đầu. Như thế, sẽ tránh khi các dấu hiệu bệnh toàn phát, trẻ bị nặng hơn sẽ khó chữa, thậm chí sẽ dẫn tới tử vong. Ngay từ khi có thai, các bà mẹ nên tuân thủ đúng chế độ để tránh trường hợp sinh non, trẻ sẽ nhẹ cân. Thực hiện tốt các chế độ vô khuẩn khi đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh. Đảm bảo môi trường sạch sẽ, thoáng mát cho trẻ... Trẻ bị viêm phế quản phổi vẫn phải bú mẹ, nếu trẻ không tự bú thì phải vắt sữa ra bình, cốc hoặc cho trẻ ăn sữa công thức nếu mẹ không có sữa. Bên cạnh đó, việc bù lại lượng nước đã mất do sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy cho trẻ bằng cách cho uống nhiều nước hơn (tốt nhất cho uống oresol) là việc làm cần thiết. Không nên chườm ấm hay chườm lạnh, tránh làm tăng nhu cầu ôxy. Khi trẻ phải sử dụng kháng sinh dứt khoát phải tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, các bà mẹ vẫn duy trì chế độ ăn bình thường cho con (bú mẹ, ăn sữa bằng thìa cốc nếu trẻ không bú được, ăn tăng cường nếu trẻ trong thời kỳ ăn dặm...). Trong khi trẻ bị viêm phế quản phổi, bố mẹ không hút thuốc lá trong nhà, tránh cho trẻ ra ngoài vì bụi và các ô nhiễm khác khiến bệnh sẽ nặng hơn.
ThS. Lê Hưng